Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thanh Hóa: Trồng hoa công nghệ cao bán Tết, bông to đẹp mê li, bán được giá cao

Từ khi chuyển sang trồng hoa trong nhà màng hướng nông nghiệp công nghệ cao, vụ hoa Tết nào gia đình bà Phạm Thị Sáng ở xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) cũng ăn chắc. Các loài hoa Tết trồng trong nhà màng phát triển đồng đều, bông to đẹp mê li và bán được giá cao.



Được tận mắt chứng kiến vườn hoa Tết công nghệ cao của gia đình bà Sáng (48 tuổi) xóm 4, xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), nhiều người sẽ lầm tưởng đây là vườn hoa của một anh chàng kỹ sư hay một doanh nghiệp nào đó đầu tư vào lĩnh vực này.

Nhưng ít ai ngờ rằng, vườn hoa xanh tốt, rực rỡ sắc màu, đẹp như bên Tây đó lại là của một bà nông dân chính gốc, quanh năm đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn và mới biết đến mạng internet.

Đang cẩn thận chụp lưới vào từng nụ hoa cúc, bà Sáng tâm sự, trước kia, gia đình bà cũng trồng đủ các loại hoa Tết, nhưng chủ yếu canh tác theo cách truyền thống nên năng suất thấp, rủi ro lớn, thu nhập bấp bênh....

Thấy cách làm này không hiệu quả, bà Sáng liên tục tìm hiểu các phương pháp canh tác khác hiệu quả hơn. Sau khi đi thăm quan một số mô hình trồng hoa công nghệ cao, nhận thấy những lợi ích mà nhà màng mang lại.

Bà Sáng quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng dựng căn nhà màng rộng gần 3.000m2, cùng hệ thống tưới nhỏ giọt, cùng nhiều vật tư cần thiết khác để trồng hoa công nghệ cao.

Với diện tích nhà màng này, vụ hoa Tết năm nay, gia đình bà xuống 50.000 cây hoa cúc và 20.000 cây hoa cát tường. Tất cả số hoa này được bà Sáng áp dụng nông nghiệp công nghệ cao vào trồng và chăm sóc.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Sáng vui vẻ cho biết: "Hôm nay tôi xuất bán được hơn 1.000 bông hoa cúc, giá bán hoa cúc tận vườn 3.000 đồng/bông. Hoa cúc của tôi bông to đẹp, thương lái ai cũng thích và tranh nhau đến đặt mua nhưng tôi chưa dám nhận lời ai vì sợ không đủ hàng để bán...".

"Điều mà họ thích nhất hoa cúc ở vườn nhà tôi là hoa không những đẹp lại được chụp lưới cẩn thận, bảo quản được lâu và vận chuyển thỏa mái mà không sợ bị hư hỏng, dập nát. Áp dụng công nghệ cao vào là hoa Tết khác ngay, bán vừa được giá mà lại dễ bán"- bà Sáng tiết lộ.

Đối với hoa cúc, bà Sáng không trồng đại trà hết một lần, bà chia ra nhiều diện tích khác nhau và trồng gối vụ với nhau để có hoa bán trước Tết và sau Tết.

Thời gian đầu khi cây còn nhỏ, bà dùng bóng điện để kích thích cây sinh trưởng và không cho cây ra hoa sớm. Sau khi cây cao tầm ngang người, nụ to bằng ngón tay bà dùng lưới chụp lại để bảo quản được hoa dễ hơn. Công việc này tuy mất thời gian nhưng giúp hoa cúc để được lâu hơn hẳn, từ đó mà thương lái thích mua hoa của nhà bà hơn.

Một số luống hoa cúc đã đến tuổi xuất bán và được bà cắt tỉa bán dần, dự định, 5 vạn hoa cúc này sẽ được bà bán từ giờ cho đến sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Với giá bán hoa cúc hiện tại là 3.000 đồng/bông thì bà sẽ thu về 150 triệu từ diện tích hoa cúc này.

"Theo kinh nghiệm trồng hoa của tôi, đầu vụ giá hoa đã cao như này thì chắc chắn tới dịp cận Tết giá hoa sẽ tăng cao hơn. Chi phí trồng hoa cúc cũng khá thấp so với các loại hoa khác, lại tự tôi làm được kiểu lấy công thêm lãi nên tiết kiệm được tương đối" -  bà Sáng tiết lộ.

Ngoài ra, gia đình bà Sáng còn trồng 20.000 cây hoa cát tường, năm nay thời tiết lạnh kỉ lục nên làm chậm lại sinh trưởng của cây. Bà đang lo ngại vườn hoa cát tường này một số lượng lớn sẽ không kịp nở vào dịp Tết, bà cũng đang dùng nhiều cách khác nhau để kích cây hoa cát tường nở sớm.

Cũng theo bà Sáng, trồng hoa ngoài trời rất dễ bị ảnh hưởng từ thời tiết, mưa to quá cũng làm hỏng cây, gió to quá thì cây đổ hết, mất công dựng lại nhưng năng suất cũng chẳng ăn thua.

Trong khi đó chưa nói đến, việc trồng hoa Tết ngoài trời dễ bị sâu bệnh và đủ các vấn đề khác nên cái chuyện nông dân trắng tay là phổ biến.

Còn khi trồng hoa Tết trong nhà kính thì lại ngược lại, mọi vấn đề trên đều được khắc phục hết, không còn phải sợ thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng tới vườn hoa. Đặc biệt, trồng hoa công nghệ cao tiết kiệm được công chăm sóc, năng suất đạt tuyệt đối, bông to đẹp và bán được giá hơn hẳn.

"Giờ làm cái gì cũng phải áp dụng khoa học kĩ thuật, áp dụng công nghệ thì mới thành công được, có đầu tư thì mới có thu. Làm nông nghiệp mà không chịu thay đổi, cứ dậm chân tại chỗ thì chẳng bao giờ khá lên được" - bà Sáng chia sẻ./.

Theo Báo NTNN