Nhận thấy có nhiều tiềm năng để tăng cường xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Ấn Độ trong thời gian tới, theo đó, Bộ Nông nghiệp & PTNT thông tin tới các doanh nghiệp, hợp tác xã đang tham gia hoặc quan tâm tới xuất khẩu hàng nông sản vào thị trường Ấn Độ một số vấn đề sau:
Về cơ hội mở cửa và mở rộng thị trường
Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi nông dân Ấn Độ cùng đại diện các cơ quan liên quan, hai bên đã thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi đế nông sản hai nước tiếp cận được thị trường của nhau nhằm góp phần đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỉ USD vào năm 2020.
Hai bên nhất trí đẩy nhanh quy trình kỹ thuật để mở cửa thị trường đối với 03 sản phẩm nông nghiệp của Ấn Độ là nho, lựu và hạt kê. Chiều ngược lại, Ấn Độ cũng sẽ mở cửa cho 05 loại trái cây của Việt Nam là thanh long, nhãn, bưởi, chôm chôm và sầu riêng.
Phía Ấn Độ đề nghị Việt Nam đấy nhanh thủ tục cấp phép nhập khẩu thịt trâu và trâu sống từ Ấn Độ. Việt Nam cũng đề nghị Ấn Độ hỗ trợ cung cấp các giống trâu có năng suất sữa và sản lượng thịt cao để phát triển ngành chăn nuôi tại Việt Nam.
Hiện nay, ngành điều Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu hụt điều nguyên liệu trong khi giá điều thế giới tăng cao. Chính phủ Ấn Độ đã giảm thuế nhập khẩu đối với hạt điều nguyên liệu từ 5% xuống 2,5% (trong khi thuế nhập khẩu điều chế biến vẫn ở mức cao 18-30%), đồng thời đang xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu điều nhân và hạn chế xuất khẩu điều thô để khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu điều nguyên liệu vào Ấn Độ chế biến, tạo công ăn việc làm và nâng cao giá trị gia tăng.
Về tháo gỡ rào cản thương mại và cắt giảm thuế quan
Tại cuộc hội đàm với Bộ Công thương Ấn Độ, phía Việt Nam đã nêu quan ngại về việc Ấn Độ áp đặt mức giá tối thiểu đối với hồ tiêu nhập khẩu, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam. Chính sách này của Ân Độ có dấu hiệu vi phạm các điều khoản của Hiệp ước chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT), Hiệp định Nông nghiệp của WTO và Hiệp định Thương mại ASEAN - Ấn Độ (AIFTA). Phía Việt Nam đề nghị Bộ Công thương Ấn Độ ngừng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại không phù hợp với luật pháp quốc tế để tránh tác động tiêu cực đến quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước. Bộ Công thương Ấn Độ cũng cho biết gần đây Tổng vụ Ngoại thương Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh áp giá tối thiểu đối với hồ tiêu lốt (tiêu dài) và hồ tiêu đen nhập khẩu.
Việt Nam đề nghị Ấn Độ xem xét cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nông sản Việt Nam hiện đang ở mức rất cao như hồ tiêu (51%), cà phê (50%), thủy sản đông lạnh (30%), thanh long, nhãn (30%), điều chế biến (18-30%) để góp phần cân bằng cán cân thương mại nông sản hai chiều và phản ánh đúng thực tế mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Bộ Công thương Ấn Độ đề xuất hai nước đàm phán và ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về kiểm tra và chứng nhận an toàn thực phẩm đối với hàng nông thủy sản nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy thương mại song phương. Hai bên thống nhất cử đầu mối để duy trì kênh thông tin liên lạc và tăng cường đối thoại về chính sách thương mại liên quan đến hàng nông thủy sản.
Tại các cuộc tiếp xúc cho thấy, nhiều lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu nhưng chưa được các doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm đầu tư do một số nguyên nhân như khoảng cách địa lý, thiếu thông tin về môi trường, chính sách khuyến khích đầu tư cũng như chưa thấy được tiềm năng của thị trường Việt Nam. Bộ Nông nghiệp & PTNT Việt Nam đề nghị hai bên cần tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, hiệp hội ngành hàng tham gia hội chợ, hội thảo và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương để doanh nghiệp hai nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Phía Ấn Độ đề nghị Việt Nam cử đoàn tham dự các hội chợ triển lãm nông sản thực phẩm tại Ấn Độ trong năm 2019.
Các nội dung hợp tác khác
Trên cơ sở Bản ghi nhớ kế hoạch hành động về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2018-2020 đã được Bộ Nông nghiệp hai nước ký kết tháng 3 năm 2018, hai bên thống nhất sẽ tổ chức nhóm công tác chung và tiến hành họp định kỳ để thảo luận chi tiết việc triển khai kế hoạch hành động hợp tác nông nghiệp giữa hai nước
Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục trao đổi về các cơ hội hợp tác trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, sử dụng hiệu quả nguồn nước, canh tác nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng giống cây trồng chịu hạn, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với nông sản, thực phẩm, hợp tác về đào tạo nghề cho nông dân và sinh viên ngành nông nghiệp./.
TTKN Quảng Ninh