Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo, chuyên viên Chi cục Chăn nuôi và thú y một số tỉnh, thành phố; đại diện Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội; lãnh đạo trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã trực thuộc Chi cục cùng một số cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn tại các huyện, thị xã.
Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội đã báo cáo chung về tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Theo đó, tính đến ngày 12/9/2019, tổng số hộ có lợn tiêu hủy trên địa bàn thành phố là 30.102 hộ (chiếm 37,3% tổng số hộ chăn nuôi)/2.334 thôn/447 xã. Tổng số lợn tiêu hủy là 510.351 con. Tổng trọng lượng tiêu hủy: 35.356 tấn. Tính từ đầu tháng 7/2019, dịch tả lợn Châu Phi có dấu hiệu giảm, tuy nhiên dự báo tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp do mầm bệnh đã nhiễm trên diện rộng. Việc quản lý, lưu thông, giết mổ có nơi chưa chặt, thiếu đồng bộ. Công tác phòng chống dịch bệnh có phần chủ quan, lơ là. Do đó, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, các hộ chăn nuôi cần áp dụng các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không chủ quan, lơ là để bệnh ghép với bệnh khác. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp tái đàn hợp lý.
Cũng tại hội thảo, đại diện Công ty cổ phần kinh doanh thuốc thú y AMAVET chia sẻ một số biện pháp kiểm soát bệnh dịch tả lợn Châu Phi, trong đó lưu ý một số nội dung như tiêu hủy triệt để, đúng cách lợn bệnh; phun sát trùng đúng cách, đúng liều lượng; thay đổi phương thức chăn nuôi; sử dụng Kangjuntai-chất kháng khuẩn, kháng virus. Ngoài ra, đại diện Công ty AMAVET cũng giới thiệu vắc xin Aftogen Oleo phòng bệnh lở mồm long móng gia súc. So với các loại vắc xin khác, vắc xin Aftogen Oleo có độ tinh khiết cao, dễ tiêm, tiêm an toàn không sốc, không mệt, không sảy thai, không bị áp se sau tiêm, chi phí cũng rẻ hơn vì chỉ cần tiêm 1 mũi.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu tham dự đã thu nhận được nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi tại gia đình, đồng thời phòng chống dịch bệnh đúng kỹ thuật, mang lại hiệu quả cao./.
Nguyễn Thúy