Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tăng cường công tác kiểm tra nguồn cung thực phẩm có nguồn gốc động vật

Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão, để quản lý và kiểm soát tốt nguồn gốc thực phẩm từ chăn nuôi, Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, chế biến chấp hành tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.Cùng với việc kiểm soát vệ sinh thú y tại các trang trại, trong dịp này, Hà Nội cũng thành lập các đoàn liên ngành kiểm soát thực phẩm tại các chợ đầu mối, các cơ sở giết mổ tập trung nhằm đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm khi lưu thông trên thị trường.



Anh Chu Trọng Tiến, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín chia sẻ, trên diện tích hơn 2.000 m2, anh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đảm bảo chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Hiện nay, với tổng đàn hơn 100 nái và hơn 1000 lợn thịt, trang trại cũng được kiểm soát thú y chặt chẽ, đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.

Ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, huyện Thường Tín cho biết, là huyện có quy mô chăn nuôi lớn của thành phố Hà Nội, huyện Thường Tín hiện có tổng đàn lợn trên 26.000 con và hơn 1,2 triệu con gia cầm.

Đặc biệt, tại đây còn có chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ là nơi tập trung kinh doanh, vận chuyển giết mổ gia cầm với số lượng lớn và là nơi cung cấp lượng lớn thịt và các sản phẩm từ gia cầm cho thành phố.

Dịp này, mỗi ngày có khoảng 40-60 tấn gà, cao điểm có ngày gần 100 tấn được nhập vào Hà Nội thông qua Chợ Hà Vĩ. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm, UBND xã Lê Lợi cũng đã phối hợp với Trạm Chăn nuôi thú y huyện Thường Tín thực hiện nghiêm chức năng nhiệm vụ của chốt kiểm dịch, thường xuyên trực đầy đủ các lượng lượng 24/24h để kiểm tra kiểm soát gia cầm về chợ đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, chủ động phối hợp với lực lượng Công an, Quản lý thị trường, phòng kinh tế, Ủy ban nhân dân các xã để xử lý các vi phạm đối với hoạt động giết mổ, kinh doanh vận chuyển giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho hay: Hiện nay, Hà Nội có tổng đàn lợn đạt khoảng 1,4 triệu con, đàn gia cầm khoảng 39,6 triệu con; đàn trâu bò khoảng 160 nghìn con. Trên địa bàn thành phố hiện nay có 988 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, chủ yếu là thủ công, nhỏ lẻ.

Vì vậy, để kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã yêu cầu các trạm tại 30 quận, huyện phải nắm chắc địa bàn, thường xuyên kiểm tra đánh giá các cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật và tổ chức ký cam kết cho các cơ sở giết mổ động vật, sơ chế, bảo quản kinh doanh sản phẩm động vật đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trước vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, việc kiểm soát ngay từ quá trình chăn nuôi đã được Chi cục Chăn nuôi và Thúy y Hà Nội quan tâm. Hàng tháng, Chi cục cũng chỉ đạo các  Trạm Chăn nuôi và Thú y tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra dư lượng kháng sinh, kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi. Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi, cũng như kiểm soát tốt công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc và kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn.

Hiện nay, Hà Nội cũng đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại các địa bàn được phân công, xử lý hoặc chuyển xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về An toàn thực phẩm. Bên cạnh việc thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, lực lượng Chăn nuôi Thú y cơ sở cũng chủ động tăng cường công tác kiểm soát thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ thuộc địa bàn mình quản lý để đảm bảo tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm nay./.

TA (Theo Chinhphu.vn)