Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững

Triển khai Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 731/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, các địa phương đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; xây dựng vùng sản xuất gắn với quy hoạch chung của thành phố…



Kết quả bước đầu đáng ghi nhận

Thực hiện việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, các địa phương tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, huyện Mê Linh đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, như: Vùng trồng rau an toàn (3.600 ha), vùng trồng hoa cây cảnh (2.000 ha)… từng bước hình thành nền nông nghiệp hàng hóa mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Ông Nguyễn Tiến Dũng (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) cho biết, trang trại của gia đình ông có 4.000m2 triển khai mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao, mang lại doanh thu gần 18 tỷ đồng/năm.

Mở hướng mới trong sản xuất, kinh doanh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối thông tin, áp dụng mô hình trồng rau trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế... Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã thu hoạch 2-4 tấn rau xanh cung cấp cho chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Đan Phượng… với giá cả ổn định; thu nhập trung bình gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, Thanh Oai xác định cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, huyện đã hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung (6.000 ha), vùng trồng cây ăn quả (300 ha); vùng trồng rau an toàn (100 ha); vùng nuôi trồng thủy sản (300 ha)...

 

Thời gian qua, việc tái cơ cấu đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, năm 2022 giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp dự kiến là 2,5-3%. Với lĩnh vực trồng trọt, thành phố duy trì 62.806 ha trồng lúa, trong đó chủ lực là lúa chất lượng cao. Với chăn nuôi, thành phố sẽ tập trung phát triển tại các vùng, xã trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục cơ cấu lại vùng nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa; tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh từng vùng trong phát triển kinh tế…

Để Chương trình số 04-CTr/TU đi sâu vào cuộc sống

Việc cơ cấu lại nông nghiệp đã tạo ra những chuyển động tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung hàng hóa mũi nhọn…

Để triển khai có hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU cũng như Quyết định số 731/QĐ-UBND, theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh) Lê Văn Tám, các sở, ngành tiếp tục tham mưu với thành phố có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã... về nguồn vốn, khoa học công nghệ... qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo hướng hiện đại.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, được quy hoạch trở thành vành đai xanh của thành phố, Phúc Thọ đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, huyện sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP gắn với sơ chế, chế biến và liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời, huyện tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong quản lý, giám sát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Hà Nội sẽ từng bước cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi... bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung; bố trí các vùng sản xuất hàng hóa trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Mặt khác, thành phố sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh; thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp.

Cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Để Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy và Quyết định số 731/QĐ-UBND của UBND thành phố phát huy hơn nữa hiệu quả trong thực tiễn phát triển, cùng với những giải pháp nêu trên, việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp cũng như quy hoạch lại các khu vực sản xuất, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại... cũng cần được xem là nhiệm vụ ưu tiên./.

NT (Theo Báo HNM)