Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sử dụng tỏi trong phòng bệnh cho gà

Tỏi có rất nhiều tác dụng trong kích thích tăng trưởng và phòng bệnh cho gà nuôi. Tuy nhiên, khi sử dụng cần lưu ý đến liều lượng và cách bổ sung để mang lại hiệu quả tốt nhất.



Tác dụng

Theo các nghiên cứu, tỏi có tác dụng đáng kể lên hệ thống miễn dịch, giúp tăng hoạt tính các thực bào lympho, có tính kháng khuẩn (ức chế 70 loại vi khuẩn gram (-) và gram (+), kháng virus (cúm, cảm lạnh, lở mồm long móng), diệt ký sinh trùng và nguyên sinh động vật (giun đũa, giun kim, giun móc, lỵ amid), phòng tránh tốt các rối loạn men tiêu hóa, nhiễm khuẩn dạ dày ruột, chống các bệnh đường hô hấp. Ngoài ra tỏi còn giúp tăng hiệu lực kháng sinh, vì thế sẽ giúp tăng hiệu quả của kháng sinh trong việc điều trị bệnh CRD.

Ðược xem là chất kháng sinh hoàn toàn tự nhiên: Tỏi được xem như một chất kháng sinh hoàn hảo tự nhiên rất tốt cho gà chọi lẫn gà thịt. Phòng những loại bệnh hen khẹc, gà bị khò khè và bị khó thở.

Tăng cường hệ thống miễn dịch cho gà: Hệ miễn dịch giúp gà có thể chống lại những loại virus gây bệnh hoặc sẽ hồi phục nhanh hơn nếu không may bị nhiễm bệnh. Trong tỏi có chứa Allicin có thể làm bất hoạt trên 70 loại virus Diallyl trisulfide (DATS), Diallyl disulfide, Ajoene, hoạt chất Phytoncides trong tỏi cũng góp phần làm tăng khả năng kháng khuẩn.

Giúp gà ít nhiễm giun sán: Là một trong những sản phẩm thực phẩm có khả năng điều trị giun sán hiệu quả, nhất là giun kim. Tuy nhiên, nếu nuôi gà thả vườn thì nên kết hợp thêm thuốc sổ giun sán, bởi vì tỏi chỉ bổ trợ thêm cho việc loại bỏ giun sán cho gà.

Trị rối loạn tiêu hóa dứt điểm: Thường xuyên trộn tỏi cho gà ăn hoặc giã nhuyễn chắt lấy nước uống là cách hữu hiệu để trị gà không tiêu, từ đó hạn chế được tình trạng gà đi ngoài phân xanh trắng.

Ðể giúp người chăn nuôi mạnh dạn sử dụng tỏi phòng bệnh CRD, năm 2010 Trạm Khuyến nông Khuyến ngư Mỏ Cày Nam (Bến Tre) đã thực hiện thí nghiệm “Sử dụng tỏi phòng bệnh gia cầm”. Khi sử dụng rượu tỏi pha nước cho uống lúc gà được 7 ngày tuổi, 2 ngày uống 1 lần với liều: 60 ml rượu tỏi pha trong 10 lít nước uống cho 200 con gà con (dưới 2 tháng tuổi) hoặc 100 con gà lớn (trên 2 tháng tuổi). Các ngày còn lại vẫn sử dụng Vitamin C + B - Complex + Ðiện giải. Vỏ tỏi còn lại treo ở các góc chuồng để khử mùi hôi. Sau 4 tháng thực hiện kết quả như sau: Sử dụng tỏi giúp hạn chế bệnh đường hô hấp mãn tính trên đàn gà, giảm được chi phí thuốc, tỷ lệ chết, nâng cao hiệu quả chăn nuôi: Giảm tỷ chết, loại thải từ 14% xuống còn 2%; Giảm chi phí thuốc: 445 đồng/con; Thời gian xuất chuồng sớm hơn 15 ngày; Trọng lượng xuất chuồng cao hơn 90 g/con.

Liều lượng

Tùy thuộc phương pháp sử dụng mà có các liều lượng khác nhau.

Dùng trực tiếp cho gà: Tùy thuộc vào thể trọng của gà. Ví dụ: 1 con gà nặng dưới 1 kg/con thì nên cho ăn 1 - 1,5 tép tỏi. Gà 2 kg/con trở lên thì khoảng 2 tép/ lần.

Pha nước uống: 1 lít nước uống 2 - 3 tép tỏi là vừa. Trường hợp cho uống hằng ngày thì nên sử dụng tỏi liều lượng thấp, nếu cách ngày hoặc 2 - 3 lần/ tuần thì nên pha nhiều tỏi hơn. Có thể tách phần nước và xác tỏi cho gà dùng riêng. Xác tỏi xay nhuyễn trộn cùng thức ăn giúp gà tiêu hóa tốt hơn.

Dùng rượu tỏi: Cho gà con ăn tỏi ngâm rượu với đàn gà khoảng 200 con thì liều lượng là 60 ml/10 lít nước, cho uống 2 ngày/lần. Nếu gà hơn 2 tháng thì cũng với liều lượng 60 ml/10 lít nước cho 100 con gà.

Dùng bột tỏi khô: Trộn vào thức ăn hàng ngày với tỷ lệ 3% bột tỏi.

Vỏ tỏi có tác dụng khử mùi cực kỳ nhạy, người nuôi có thể tận dụng gom vỏ lại bỏ vào túi treo trong chuồng nuôi.

Nguyên tắc sử dụng

- Máng cho gà uống nước tỏi cần lau rửa sạch sẽ, khô ráo tránh để ô nhiễm.

- Nên nhốt gà lại đợi đến lúc gà khát mới cho uống, tránh tình trạng gà không chịu uống.

- Nếu nước tỏi cho uống bị thừa thì nên đổ đi, không sử dụng lại.

- Muốn gà luôn khỏe mạnh, tăng cân nhanh, không bị nhiễm bệnh vào các thời điểm giao mùa, nên cho gà uống nước tỏi thường xuyên và lâu dài./.

Theo tapchigiacam.vn