Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa Phong lan bản địa



  1. GIỚI THIỆU CHUNG

Hoa lan bản địa (lan rừng) là một trong những loài hoa cao cấp. Hoa phong lan có nguồn gốc ở những khu rừng nhiệt đới, thường sống trên cây tươi hoặc cây đã chết, trên kẽ đá, trên đất hoặc trên các thảm thực vật đã mục.

Phong lan là cây lưu niên hoa bền, đẹp, có hương thơm, là loài hoa có giá trị kinh tế cao. Phong lan có số lượng loài rất đa dạng, một số loài phổ biến hiện nay Đai Châu, Quế Lan Hương, Tam Bảo Sắc, lan Kiều, Phi Điệp, Đuôi Cáo.

  1. YÊU CẦU VỀ ĐIỀU KIỆN SINH THÁI

- Nhiệt độ: Hoa lan ưa khí hậu mát mẻ, nhiệt độ thích hợp 20-30oC, nhiệt độ giới hạn từ 15-35oC.

- Ánh sáng: cây ưa ánh sáng tán xạ, thích hợp 60- 70% ánh sáng trực tiếp, ánh sáng trực tiếp với cường độ cao sẽ làm cây bị bỏng lá. Cường độ sáng phù hợp từ 8.000 – 12.000 lux. Tuy nhiên, nếu trồng trong điều kiện thiếu ánh sáng, cây sẽ tăng trưởng chậm và yếu, bộ rễ kém phát triển, cây khó ra hoa.

- Ẩm độ: Cây lan có khả năng chịu hạn khá tốt. Ẩm độ thích hợp cho cây phát triển là từ 40 - 80%, thích hợp nhất là 60 - 70%. Ẩm độ càng cao, rễ càng mọc nhanh và phát triển tốt tuy nhiên giá thể phải thật thông thoáng, thoát nước tốt. 

- Dinh dưỡng: Hoa lan cần tất cả các loại dinh dưỡng cho cây sinh trưởng: N, P205, K20, trung lượng: Fe, Cu, Ca, vi lượng: Mn, Mg, Bo, Zn, các vitamin.

III. CÁC GIỐNG TRỒNG HIỆN NAY

Các giống hoa phong lan bản địa rất phong phú với các màu sắc khác nhau và thời gian nở hoa cũng khác nhau. Nên chọn nhiều chủng loại hoa trên vườn để đảm bào vườn lan có hoa nở quanh năm.

Các giống phong lan trồng phổ biến hiện nay là: Đai Châu, Quế Lan Hương, Tam Bảo Sắc, lan Kiều, Phi Điệp, Đuôi Cáo

  1. THIẾT KẾ VƯỜN TRỒNG

4.1. Khung sườn giàn lan:

+ Cột bằng xi măng hay ống mạ kẽm, phi 48 làm cột nhà lưới. Cột cách cột 4m, chiều cao cột: 3,0- 3,5m. Ở chiều cao của cột khoảng 1,5 – 1,7 m từ mặt đất đặt thêm hệ thống thanh ngang xếp thành hàng để làm giàn treo chậu cho dễ chăm sóc. Chiều rộng của giàn treo 3 m, rãnh đi vào chăm sóc rộng 1 m. 

+ Giàn treo: Dùng ống mạ kẽm phi 42 làm thanh ngang đỡ giàn, gác các thanh dọc phi 34 song song cách nhau 30- 35 cm ở mặt giàn treo.

.+ Hệ thống rào chắn: Hàng rào bằng lưới B40 hoặc cũng có thể dùng lưới chống côn trùng loại mắt thưa.

4.2. Mái che: Dùng lưới đen hoặc lưới xanh che bớt được 20 - 30% ánh sáng.

4.3. Hệ thống tưới

+ Dàn phun mưa tự động: Gồm máy bơm, téc chứa nước, hệ thống ống dẫn bố trí song song cách nhau 3 m, cách mặt đất 2,5 – 3 m, cao hơn dàn treo lan 1m, các vòi phun cách nhau 3 m, xếp so le nhau.

  1. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

5.1. Thời vụ trồng

Mùa xuân và mùa hè là thời điểm cây lan sinh trưởng, phát triển mạnh nhất nên trồng vào khoảng tháng 3- tháng 4 dương lịch để cây có đủ thời gian sinh trưởng chống rét vào mùa đông.

5.2. Giá thể và chậu nuôi

 Ghép trên gỗ (áp dụng cho tất cả các loại lan trên): Các loại gỗ chắc: lũa, nhãn vải, vú sữa, thân cây dương xỉ..., cưa thành khúc dài 30-40cm hoặc dạng thớt dày 7-8 cm (đường kính 25-35cm).  Gỗ áp dụng với hầu hết các loài lan như Đai Châu, Quế lan Hương, Tam Bảo Sắc, Kiều, Phi điệp.

Trồng chậu (áp dụng cho một số loại như Đai Châu, lan Kiều, Phi điệp, Đuôi Cáo)

- Giá thể trồng chậu: xơ dừa, than củi, vỏ cây, gỗ nhỏ, xỉ than, kích thước 2-3 cm, phải được khử trùng trước khi trồng cây.

- Chậu trồng: bằng chậu thang gỗ, đất nung hoặc bằng nhựa, có nhiều lỗ thoát nước ở đáy và xung quanh, có kích thước phù hợp tùy thuộc vào số cây trồng trên chậu và kích thước của cây lan. Một số kích thước chậu phổ biến: chậu thang gỗ vuông cạnh 25-30 cm, chiều cao 20cm, chậu đất nung hoặc chậu nhựa tròn đường kính 20-30 cm, chiều cao 15-20cm.

5.3. Chọn cây giống và xử lý trước khi trồng

- Chọn cây giống:

+ Chọn cây giống khỏe mạnh, không có vết bệnh, lá xanh tốt, bộ rễ khỏe.

+ Cây nuôi cấy mô sau ra ngôi ít nhất 1 năm tuổi. Kích thước cây: chiều cao hoặc chiều dài lá 15-20cm.

+ Cây tách thân hoặc cây thu thập trong tự nhiên phải xử lý trước khi trồng, sau khi cây ra rễ mới có thể trồng chậu hoặc ghép gỗ.

- Xử lý trước khi trồng hoặc ghép gỗ (áp dụng với cây tách thân, thu thập từ tự nhiên hoặc chuyển chậu):

Cắt bỏ ngồng hoa (nếu có), loại bỏ lá vàng, lá bị bệnh. Buộc cây thành từng túm 5-10 cây đơn thân, hoặc cụm với lan đa thân. Treo ngược phần rễ lên. Dùng thuốc bệnh Daconil 75WP pha 20-30g/bình 10 lít hoặc Ridomil Gold 68WP pha 30-40g/bình 10 lít phun đều khắp các túm cây. Sau 1 tuần phun Atonik 1.8SL 10ml/bình 10 lít, Vitamin B1 6-8 ml/bình 10 lít, phun luân phiên 5-7 ngày 1 lần. Sau khoảng 1 tháng, khi thấy nhú rễ thì có thể bắt đầu ghép lên gỗ.

5.4. Kỹ thuật trồng, ghép cây

 Trồng trong chậu: đặt cây và cố định cây vào chậu (có thể dùng dây để buộc cây vào chậu), bổ sung giá thể đến miệng chậu để giữ ẩm và giúp cây đứng vững.

Ghép trên thân gỗ:

 + Bước 1: Lựa chọn kích thước gỗ, hướng ghép, vị trí ghép và số lượng cây ghép

 + Bước 2: Định vị cây lan vào gỗ bằng miếng nhựa nhỏ (hoặc miếng cao su), dùng miếng nhựa hoặc cao su ép thân cây hoặc gốc cây vào gỗ và dùng 4 chiếc đinh cố định 2 bên thân cây lan đảm bảo tính thẩm mỹ và cây gắn vào thân gỗ không bị rơi ra ngoài.

+ Bước 3: Chuyển cây vào nơi thoáng mát và tưới nước giữ ẩm hàng ngày cho cây. Cách 2- 3 ngày phun Rootplex, liều lượng 10-15ml/bình 10L nước để  kích thích ra rễ cho lan.

5.5. Tưới nước

Lượng nước tưới tuỳ theo mùa, theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây và theo cách trồng (trồng chậu hay ghép trên gỗ).

Mùa hè, tưới 2 lần vào 8h30-9h30 sáng và 3h30-4h30 chiều, tưới dạng phun mưa cho ướt đều lá và giá thể. Mùa thu tưới 1 lần/ngày, mùa khô (tháng 10-11) giảm tưới 2-3 ngày/lần để tạo thời gian ngủ nghỉ cho cây hoặc kích thích cây hình thành chồi hoa.

Trồng chậu thì có thể giảm số lần tưới hoặc lượng nước tưới so với ghép trên gỗ tùy thuộc vào độ giữ ẩm của giá thể, tưới 2-3 ngày/lần. Lưu ý, trước khi tưới cần kiểm tra độ ẩm, khi giá thể khô mới tưới lại.

5.6. Bón phân

Chia làm 3 giai đoạn chính:

  1. Giai đoạn cây con:Từ cây mô ra ngôi ở vườn ươm đến khi chuyển sang vườn sản xuất (khoảng 1 năm). Hoặc cây giai đoạn tách nhánh 6 tháng tuổi.

  - Sử dụng các loại phân đễ tiêu hoặc chuyên bón cho hoa lan có thành phần NPK với tỷ lệ đạm cao, chẳng hạn HT-Orchid NPK 30-10-10 hoặc NPK 30-15-10 dùng 50g/100 lít nước.

- Ngoài ra, có thể bổ sung thuốc kích thích sinh trưởng Atonik 1.8 DD 10ml/10 lít nước, hoặc hoặc Vitamin B1 pha 5-7 ml/10 lít nước.

- Cách bón:

+ Tưới hoặc phun luân phiên các loại phân 5-7 ngày/1 lần.

+ Tưới hoặc phun dung dịch phân đều mặt lá, rễ và giá thể, lượng dung dịch phân 80-100 lít/1000m2/lần.

  1. Giai đoạn cây ra vườn sản xuất đến cây trưởng thành

- Sử dụng các loại phân dễ tiêu có thành phần NPK với tỷ lệ tương đương, chẳng hạn HT- Orchid 20-20-20, pha 60g/100 lít nước tưới hoặc phun phun 4-5 bình 16 lít/1000m2

          - Ngoài ra, có thể bổ sung thuốc kích thích sinh trưởng Atonik 1.8 DD hoặc Vitamin B1 dùng 10ml/ 10 lít nước .

            - Cách bón:

+ Tưới hoặc phun luân phiên các loại phân: 4-5 ngày/1 lần.

+ Tưới hoặc phun đung dịch phân đều mặt lá, rễ và giá thể, lượng 80-100lít/1000m2/lần.

-  Có thể đặt thêm phân hữu cơ chậm tan, dùng 3-5 g phân cho vào túi vải, hoặc túi lưới hoặc rải trên mặt chậu, đặt cách gốc hoặc rễ khoảng 5 cm. Mỗi lần tưới nước phun nhẹ vào túi vải cho phân chảy chậm dần vào giá thể.

  1. Giaiđoạn cây chuẩn bị ra hoa và nuôi hoa:

- Sử dụng các loại phân dễ tiêu có thành phần NPK với tỷ lệ lân cao, chẳng hạn HT Orchid 9:45:15, pha 60g/100 lít nước.

+ Ngoài ra, có thể bổ sung thêm phân bón vi lượng cho cây sinh trưởng và dưỡng mầm hoa.

- Cách bón: Như bón cho cây trưởng thành.

5.7. Chống rét cho vườn lan (áp dụng cho các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ)

Che kín ni lông xung quanh nhà trồng để tránh các đợt gió mùa đông bắc cho vườn lan bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau.

Trong điều kiện nhiệt độ xuống dưới 15oC cần áp dụng biện pháp tăng nhiệt cho vườn trồng: Dùng quạt sưởi sưởi hoặc máy tăng nhiệt thổi hơi nóng vào vườn lan qua ống dẫn bằng ni lông đặt trên mặt đất, đường kính ống từ 0,4-0,5m, khoảng cách giữa các ống là 3-4 m/ống, trên các đường ống này có đục lỗ với mật độ 1m/lỗ, đường kính lỗ 10cm,  để hơi nóng tỏa đều khắp vườn. Nhiệt độ trong vườn đảm bảo từ 20-25oC. Bật quạt thông gió với bên ngoài 2 lần/ngày. 

Nếu không có máy tăng nhiệt có thể dùng các bóng đèn đỏ 75 - 100W với mật độ 8-10 m2/bóng, treo cách ngọn cây 1 m vào những đợt rét đậm, rét hại để tăng nhiệt và ánh sáng cho vườn lan. Thông gió vườn trồng với bên ngoài 1 lần/ngày.

5.8. Chăm sóc sau khi hoa tàn

            - Đưa cây lan vào chỗ thoáng mát, có nắng nhẹ. Nếu thấy chậu ẩm ướt quá thì phải để chậu khô ráo hẳn từ 1 đến 2 ngày mới tưới nước lại

            - Chỉ tưới nước, không được pha thêm phân vào nước tưới, chỉ tưới phân khi cây có dấu hiệu tăng trưởng trở lại (rễ mới mọc ra).

            - Để cây nhanh chóng ra rễ mới, trong lần tưới nước đầu tiên nên pha thêm B1 có chứa kích thích tố an pha NAA, (pha với nồng độ 5-7 ml/bình 10 lít nước), hoặc Atonik 1.8SL (pha với nồng độ 10 ml/bình 10 lít nước), tưới hoặc phun 80-100 lít/1000m2, cứ 3 lần tưới nước thì có 1 lần cho thêm B1 hoặc Atonik 1.8SL cho đến khi ra rễ mới.

            - Tùy điều kiện thời tiết để tưới nước sao cho đảm bảo đủ nước mà không gây úng làm hư rễ.

            - Trong điều kiện mùa hè, tưới nước từ 1-2 lần vào buổi sáng sớm và chiều mát; ngày mưa hoặc trời mát, sau khi tưới phải quan sát khi nào khô đáy chậu và rễ khô trắng bề mặt mới tưới lại.

            - Cách tưới: Tưới phun sương hoặc cũng có thể tưới phun mưa cho nước thấm vào toàn bộ chậu lan

- Khi cây ra rễ mới bám vào chậu, dùng dụng cụ cắt sắc và vệ sinh sạch, cắt bỏ lá già, lá bị dập hỏng, lá có biểu hiện bệnh; cắt bỏ rễ già, rễ đã khô chết; cắt bỏ hoàn toàn ngồng hoa cũ. Bôi vôi vào tất cả các vết cắt.

            - Sau 1,5-2 tháng, cây phát triển ổn định trở lại, tiến hành chăm sóc, bón phân, tưới nước bình thường giống như giai đoạn "Chăm sóc cây trưởng thành" trong Quy trình này.  

  1. PHÒNG TRỪ SÂU, BỆNH

7.1. Bệnh hại

7.1.1.Bệnh thối nhũn (do vi khuẩn Erwinia spp.)

- Triệu chứng: Lá hay cuống lá có đốm hay vệt màu trắng trong hay phỏng nước từ từ loang to, vết thối nhũn ra và có mùi hôi.

- Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn (Erwinia spp). Bệnh lây lan nhanh, thường phát sinh khi thời tiết nóng ẩm, tháng 5-8 hàng năm.

- Cách phòng trừ:

+ Cách ly cây bị bệnh

+ Phun thuốc trừ rệp hoặc côn trùng chích hút, diệt môi giới truyền bệnh, tránh lây lan sang cây khác.

+ Hạn chế tưới phun trên lá, giảm độ ẩm, giảm tưới và tránh làm ướt lá.

+ Tăng cường thông thoáng gió cho vườn trồng

+ Với cây bị bệnh, khử trùng dụng cụ cắt, cắt bỏ hết những chỗ bị thối và cắt sâu thêm ít nhất 2cm vào phần còn khoẻ.

+ Bôi dung dịch Steptomicine + Ridomil 68WP đậm đặc vào chỗ cắt để khử trùng, khử nấm.

+ Nếu rễ cây hoặc gốc bị thối nên thay bằng chậu sạch và giá thể mới

7.1.2.Thối rễ (do nấm Fusarium sp.)

- Triệu chứng: bệnh xảy ra khi điều kiện sinh trưởng của cây không lý tưởng: sự thay đổi liên tục giá thể ướt, khô, độ lạnh của giá thể... làm cho lá bị mềm ẻo, mép lá chuyển sang màu vàng, rễ cây có màu nâu, tuy nhiên lõi rễ vẫn giữ nguyên. Rễ và thân nhiễm bệnh sẽ ngả sang màu nâu.

- Nguyên nhân gây bệnh do nấm (Fusarium sp.) gây ra

- Phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, sử dụng giống sạch, tiêu hủy tàn dư cây bị bệnh, phun Aliette 800 WG: cây con pha 30-40 g/bình 16 lít nước, cây già pha 50g/bình 16 lít nước; hoặc Ridomil Gold 68WG: cây con 30-40 g/bình 16 lít nước, cây già 50-60 g/bình 16 lít nước. Phun 6 bình/1000m2.

7.1.3.Bệnh đốm lá (do nấm Anternaria dianthi)

- Triệu chứng: Mặt trên và mặt dưới lá có những đốm màu nâu xám hoặc nâu đen. Bệnh thường xuất hiện trên lá già và lá bánh tẻ. Bệnh nặng mật độ vết đốm dày và lan sang các lá khác trên cây.

- Nguyên nhân gây bệnh do nấm (Anternaria dianthi), nấm phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao.

- Phòng trừ:

+ Vào mùa hè che giảm ánh sáng cho phù hợp

+ Thông gió tốt vườn trồng đặc biệt là vào mùa hè

+ Không tưới quá muộn vào buổi chiều tối khiến lá chưa kịp khô

+ Không để mật độ cây quá dày

+ Định kỳ phun phòng bằng một trong các loại thuốc trừ nấm như Ridomil Gold 68WG liều lượng 40-50G/bình 16L, Anvil 5SC liều lượng 16-20ml/bình16L, phun 2 bình/sào BB.

+ Nếu thấy dấu hiệu bệnh phát triển mạnh thì phun 5-7 ngày một lần. Phun liên tục 3-4 lần, khi thấy dấu hiệu bệnh ngừng phát triển thì thôi.

7.2. Sâu hại

7.2.1. Rệp sáp (Chrysomphalus ficus)

- Triệu chứng: Rệp tiết dịch tạo thành lớp sáp phủ màu trắng như bông mặt trên hoặc mặt dưới lá và trú ngụ trong đó, chích hút nhựa trên lá, cuống lá, làm cho lá bị vàng và hỏng lá.

- Nguyên nhân gây hại là do rệp sáp (Chrysomphalus ficus).Rệp phát sinh, phát triển mạnh vào mùa hè thu thời tiết khô và nắng.

- Phòng trừ: Kết hợp với các đợt cắt tỉa, cắt bỏ cành và lá có rệp để tiêu hủy. Phun thuốc diệt rệpArafat 330WP liều lượng 10-15g/bình 16 lít hoặc phun dầu khoáng như Neem oil hay Spray oil,...làm rệp chết ngạt, hoặc ung thối trứng rệp. Phun vào sáng sớm hoặc chiều mát, không phun khi nắng nóng tới 370C, phun kỹ từ mặt trên, mặt dưới lá, thân cây, bẹ lá và tận gốc rễ, nồng độ phun theo khuyến cáo trên bao bì thuốc. Cách 5-7 ngày phun lại 1 lần, phun liên tục 2-3 lần.

7.2.2. Các sinh vật gây hại (sâu róm, sên, kiến)

Phòng trừ :

+ Vệ sinh vườn luôn sạnh sẽ, thông thoáng, thường xuyên kiểm tra vườn.

+ Với ốc sên, hoặc sên có thể bắt bằng tay hoặc dùng vôi bột rắc xung quang vườn trồng và dưới gầm giàn.

+ Với sâu róm hoặc kiến sử dụng thuốc trừ sâu diệt sâu róm: Selecron 500EC liều lượng 30-40ml/16L, hoặc Reasgant 3.6EC liều lượng 10ml/16L. Sử dụng thuốc diệt kiến.

VII.  THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN GIÒ, CHẬU LAN TẠI NƠI TIÊU THỤ

- Tưới nước để duy trì độ ẩm trước khi mang đi tiêu thụ hoặc trưng bày

- Khi vận chuyển, bao gói và buộc dây cố định cây để tránh va chạm, dập nát cành hoa.

- Duy trì độ ẩm cho cây bằng việc tưới nước hàng ngày ở nơi tiêu thụ.

- Tránh ánh sáng trực xạ với cường độ cao và nơi có gió lùa hoặc gió mạnh

Nguyễn Thị Kim Thoa - Trạm Khuyến nông huyện Đan Phượng

                                                      (Biên soạn theo tài liệu của Trung tâm nghiên cứu & Phát triển hoa,

             cây cảnh -Vin nghiên cứu rau quả)