Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phòng và trị bệnh đậu gà

Bệnh đậu gà (Fowl pox) là bệnh truyền nhiễm do virus gây nên, phổ biến trên gà 25 - 50 ngày tuổi. Ở nước ta, bệnh đậu gà xảy ra quanh năm nhưng vào mùa đông xuân hoặc cuối xuân đầu hè khi thời tiết khô hanh thì bệnh dễ phát và nặng nhất.



Nguyên nhân

Bệnh đậu gà do một loại virus thuộc nhóm Poxvirus loại thích nghi trên gà gây ra. Virus đậu gà có 4 biến chủng chính: Đậu gà, đậu gà tây, đậu bồ câu và đậu chim công. Bệnh có thể lây lan qua nhiều con đường khác nhau, bao gồm nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp.

Nguyên nhân trực tiếp: Virus từ gà mắc bệnh lây sang gà khỏe mạnh. Virus đậu có thể tồn tại ở môi trường ngoài khá tốt, do đó một chuồng nuôi chứa nhiều con, khi 1 con bị bệnh sẽ lây sang những con khác nếu không được phát hiện để phòng bệnh và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gián tiếp: Virus đậu có thể tồn tại trên các thiết bị chăn nuôi, tồn tại trên nền chuồng nên dễ lây lan từ nơi này qua nơi khác thông qua gián, ruồi hoặc muỗi. Điều này có thể làm lây nhiễm bệnh từ đàn gà này sang đàn gà khác…

Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh 4 - 8 ngày. Bệnh thường có 3 thể: Thể ngoài da, thể niêm mạc (hay thể yết hầu) và thể hỗn hợp. Ngoài ra, còn có thêm thể bại huyết.

 Thể mụn đậu ngoài da (thể nhẹ): Virus gây ra những mụn ở trên da, chân, mặt, mí mắt, những nơi không mọc lông. Mụn trái ban đầu nhỏ bằng tăm nhang, cứng, thưa, sau lớn dần và chứa mủ, kết chùm.

Thể niêm mạc (thể nặng): Thường xảy ra ở gà con. Mụn đậu thường xuất hiện trong niêm mạc, hầu họng, khóe miệng hoặc thanh quản làm cho gà thấy khó thở. Lớp màng giả sau khi tróc đi sẽ thấy lớp niêm mạc màu đỏ.

Thể hỗn hợp: Có thể nhìn thấy ở ngoài da và yết hầu, xuất hiện nhiều ở gà con. Tỷ lệ gà chết khá cao, lên tới 5 - 10% trên tổng đàn, thậm chí có thể lên đến 20 - 25% khi bệnh kế phát.

Ngoài ra còn có dấu hiệu ở thể nhiễm trùng huyết, xảy ra khoảng 3 - 4 tuần và đa phần có thể lành bệnh. Thể này không có dấu hiệu cũng như triệu chứng ở da mà gà chỉ sốt cao, bỏ ăn, tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu không được vệ sinh chuồng sạch sẽ thì tỷ lệ chết có thể lên đến 50% vì chúng lây lan sang nhau.

Lưu ý: Bệnh đậu thể ngoài da thường dễ chẩn đoán, nhưng ở thể yết hầu có thể nhầm với một số bệnh truyền nhiễm khác cũng gây bệnh biến ở niêm mạc hầu họng như: Bệnh Newcastle với hiện tượng hoại tử - loét  ở niêm mạc họng có khi có màng giả giống bệnh đậu. Bệnh Newcastle xuất huyết ở các niêm mạc nhất là niêm mạc dạ dày tuyến, dạ dày cơ. Bệnh nấm phổi (Aspergillosis) cũng tạo nên những đám màng giả ở niêm mạc miệng họng. Nhưng trong bệnh này, màng giả thường tạo thành những điểm, những đám tròn đều và khô và có mặt cả ở  phổi và thành các túi hơi. Cần phân biệt bệnh đậu gà với bệnh thiếu Vitamin A. Bệnh thiếu Vitamin A trên niêm mạc không hình thành màng giả nhưng xuất hiện dịch xuất màu vàng.

Điều trị

Khi bệnh xảy ra trên đàn gà có số lượng ít hoặc gà nuôi hộ gia đình thì có thể điều trị triệu chứng làm giảm đau, giảm sốt, nâng cao sức đề kháng, chống phụ nhiễm.

- Khi phát hiện gà bệnh, nhốt riêng gà bệnh để chăm sóc, theo dõi cũng như tránh lây bệnh sang gà khỏe. Song song đó, tiến hành vệ sinh chuồng nuôi và môi trường chăn nuôi sạch sẽ và dùng thuốc sát trùng tẩy uế chuồng nuôi cũng như môi trường chăn nuôi, như: Iodine, hoặc Povidine, hoặc Hi-Iodine 10%, hoặc Benkocid (nồng độ và cách dùng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất), mỗi ngày phun 1 lần.

- Chữa trị mụn đậu ngoài da:

+ Gỡ (bóc) màng đóng trên mụn trái (mụn đậu).

+ Sát trùng bằng Iodine, hoặc Povidine, hoặc Hi-Iodine 10%, hoặc Vime-Blue (Blue methylene 2%). Sau đó dùng kháng sinh mỡ (pommade Terramycin, hoặc Gentamycin. Bôi lên vùng da có mụn đậu, mỗi ngày 1 lần cho đến khi gà khỏi bệnh.

- Chữa trị mụn đậu ở miệng: Dùng nước chanh rà sát trùng miệng, mỗi ngày 1 lần cho đến khi gà khỏi bệnh.

- Chữa trị mụn đậu ở mắt:  Rửa mắt bằng dung dịch nước muối 0,9%. Sau đó nhỏ Gentamycin dạng nước và dùng kháng sinh dạng mỡ (pommade Terramycin, hoặc pommade Gentamycin), bôi mỗi ngày 1 lần cho đến khi gà khỏi bệnh.

- Chữa trị mụn đậu trong ruột:

 + Dùng kháng sinh điều trị vi khuẩn bội nhiễm, như: Doxy 50, hoặc Enrocin, hoặc Flormax, hoặc Amoxicos 20%, hoặc Coli-cox, hoặc Bio-ampicoli. Pha với nước sạch hoặc trộn với thức ăn (cho gà ăn, hoặc uống theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm), mỗi ngày 1 lần cho đến khi gà khỏi bệnh.

+ Dùng thuốc bồi bổ cơ thể và tăng cường giải độc của gan thận: Gluco-KC thảo dược + Satosal + Anagin C + Super vita + Forentic. Hòa với nước sạch cho gà uống tự do theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm, uống liên tục 10 - 15 ngày.

Phòng bệnh

- Chọn gà con khỏe mạnh, rõ nguồn gốc, cung cấp thức ăn đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng (đạm, bột đường, béo, khoáng và vitamin). Bổ sung rau xanh để cung cấp caroten tạo Vitamin A bảo vệ niêm mạc cho gà. Nước uống sạch, chuồng trại, diệt muỗi, rận, mạt. Nơi nuôi nhốt cao ráo, thoáng mát và định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng, hạn chế khách viếng thăm, tiêm phòng các loại vaccine bắt buộc và các bệnh nguy hiểm khác theo khuyến cáo của ngành thú y.

Tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh đậu trên gà

 Tạo miễn dịch đặc hiệu: Sử dụng vaccine nhược độc đông khô do Công ty NAVETCO sản xuất, chế từ chủng virus Weybridge có nguồn gốc từ gà nên dùng cho gà tạo miễn dịch tốt. Thời gian chủng vào lúc 10 ngày tuổi. Vị trí ở dưới da cánh. Đối với gà thịt chỉ cần chủng 1 lần, còn gà nuôi đẻ thì sau 3 - 4 tháng chủng lại. Sau khi chủng cần theo dõi gà và khoảng 3 ngày sau kiểm tra vị trí chủng thuốc (màng cánh) có viêm cương mủ là vaccine có tác dụng./.

Theo tapchigiacam.vn