Nguyên nhân
Bệnh truyền nhiễm thường do mầm bệnh là vi sinh vật (chủ yếu là do vi khuẩn hoặc virus) gây ra. Bệnh có khả năng lây lan từ địa phương này sang địa phương khác, thậm chí lây từ nước này sang nước khác nếu không được ngăn chặn kịp thời. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên vật nuôi như: Lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả heo, gà rù, cúm gia cầm, Gumboro, dịch tả vịt, bệnh dại trên chó…
Ðiều kiện xảy ra
Bệnh truyền nhiễm thường xảy ra khi có đủ 3 yếu tố: Mầm bệnh, môi trường và quần thể động vật cảm thụ, thiếu 1 trong 3 yếu tố trên thì dịch bệnh truyền nhiễm không thể xảy ra. Cụ thể:
- Nguồn chứa mầm bệnh (hay nguồn bệnh): Là các loại động vật đang bị bệnh hoặc đang mang mầm bệnh trong cơ thể, hàng ngày bài xuất mầm bệnh ra ngoài môi trường.
- Vật trung gian truyền bệnh (môi trường) như: Thức ăn, nước uống, không khí, đất, côn trùng (ruồi, muỗi, gián...), các loại động vật (chó, chuột, mèo…), người cũng có thể là nhân tố trung gian truyền bệnh.
- Quần thể động vật cảm thụ: Là nhóm động vật hay đàn vật nuôi bị cảm nhiễm với mầm bệnh truyền nhiễm và bị phát bệnh. Có loại mầm bệnh gây bệnh truyền nhiễm cho nhiều loài vật nuôi như: Bệnh dại, bệnh lở mồm long móng... nhưng cũng có loại mầm bệnh chỉ gây bệnh truyền nhiễm riêng cho một loài vật nuôi nhất định, như: Bệnh dịch tả heo chỉ xảy ra trên heo, bệnh Gumboro chỉ có trên gà.
Phòng bệnh
Vệ sinh thú y: Chuồng trại phải đảm bảo phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, thoáng mát, thông gió, không bị ánh nắng chiếu trực tiếp vào buổi chiều. Về mùa đông không bị gió lùa, phải có hệ thống che chắn gió vào những ngày trời lạnh. Ðảm bảo cách ly với môi trường xung quanh.
Tẩy uế chuồng trại sau mỗi lứa nuôi bằng phương pháp: Rửa sạch, để khô sau đó phun sát trùng bằng các loại thuốc sát trùng và trống chuồng ít nhất 15 ngày với vật nuôi thương phẩm, 30 ngày đối với vật nuôi sinh sản. Với những chuồng nuôi lưu cữu hoặc chuồng nuôi có vật nuôi bị bệnh truyền nhiễm, cần phải vệ sinh tổng thể và triệt để.
Trước khi nuôi lứa mới, cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện như chuồng nuôi, các dụng cụ, thiết bị đã vệ sinh sạch sẽ và vật tư cần thiết như thức ăn, nước uống, thuốc thú y thiết yếu đảm bảo chất lượng...
Trong quá trình nuôi, thức ăn, nước uống đảm bảo chất lượng, không sử dụng thức ăn bị hư hỏng, ôi, mốc. Không dùng nước ao hồ, sông ngòi hoặc nước giếng có hàm lượng sắt cao cho vật nuôi uống. Nền chuồng trại luôn khô ráo, không để nước đọng, ẩm ướt.
Ðối với người trực tiếp làm việc, phải dùng bảo hộ lao động (quần, áo, ủng, mũ) sử dụng riêng trong khu vực chăn nuôi.
Phòng bệnh bằng vaccine: Là biện pháp phòng bệnh chủ động có hiệu quả nhất. Khi đưa vaccine vào cơ thể vật nuôi, chưa có kháng thể chống bệnh ngay mà phải sau 7 - 21 ngày (tùy theo từng loại vaccine) mới có miễn dịch.
Sử dụng vaccine phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất và theo dịch tễ từng vùng để hiệu quả phòng bệnh cao.
Khi dùng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho vật nuôi nhưng vẫn cần phải thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng bệnh.
Xử lý khi phát hiện bệnh
Khi phát hiện trường hợp gia súc, gia cầm ốm, nghi mắc bệnh truyền nhiễm cần kịp thời báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm.
Cần cách ly triệt để, nhốt riêng con vật ốm ra một nơi cách xa các vật nuôi khỏe và điều trị kịp thời bằng những thuốc phù hợp, nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngay trong cơ thể con vật nuôi. Sát trùng kỹ chuồng nuôi và khu vực xung quanh bằng cách quét dọn, thu gom chất thải: Phân, nước tiểu, lông da... của vật nuôi bị bệnh đem đốt cháy, rồi chôn. Toàn bộ tường chuồng trại nuôi được quét bằng nước vôi đặc 20% (pha 2 kg vôi sống trong 10 lít nước); Rắc vôi bột ở cửa chuồng, nền chuồng, hố xung quanh chuồng trại, hoặc phun một số hóa chất thường dùng theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Máng ăn, máng uống cọ rửa sạch rồi sát trùng bằng Formol 2% hoặc Cloramin 2% sau đó đem phơi nắng. Ðối với xác động vật chết, phân, rác cần đốt rồi chôn sâu. Lưu ý, khi sử dụng các dụng cụ thú y cần phải sát trùng chúng cẩn thận, như: Bơm, kim tiêm luộc trong nước sôi 30 phút; Dao, kéo, panh, kim khâu… sát trùng bằng cồn 900 hoặc luộc trong nước sôi 30 phút.
Ðể ngăn chặn không cho mầm bệnh phát tán ra ngoài và truyền đi nơi khác, cấm các trường hợp bán chạy, vận chuyển vật nuôi đang nghi bị mắc bệnh truyền nhiễm, từ nơi có dịch đi nơi khác. Cấm vận chuyển động vật mẫn cảm từ nơi khác vào trong vùng dịch. Không vứt bừa bãi xác vật nuôi chết vì bệnh truyền nhiễm ra vườn hay cống, rãnh mà phải đem đốt hoặc chôn sâu, rắc vôi bột lên trên. Tích cực tiêu diệt các loại côn trùng có hại như ruồi, muỗi, ve mòng, chuột. Không cho người vào tham quan khi đàn vật nuôi đang bị dịch.
Không mổ vật nuôi ốm, chết gần khu vực chăn nuôi và không cho vật nuôi ăn các phụ phẩm của các loại thịt sống của vật nuôi bị bệnh và không rõ nguồn gốc.
Không đem thức ăn thừa của vật nuôi bệnh cho vật nuôi khác ăn.
Không chuyển các thiết bị, dụng cụ chưa được vệ sinh sát trùng từ khu vực có vật nuôi ốm, chết đến khu vực khác.
Trong chăn nuôi, phòng bệnh là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Nếu thực hiện tốt, vật nuôi sẽ khỏe mạnh, cho năng suất và chất lượng sản phẩm tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao./.
Theo tapchigiacam.vn