Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nuôi thủy sản lồng bè nếu không đăng ký phạt tới 15 triệu đồng

Ngày 16/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 42 thay thế Nghị định 103 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Nghị định 42 gồm 4 chương, 58 điều, tăng 12 điều so với Nghị định 103. Về cơ bản Nghị định 42 kế thừa các quy định tại Nghị định 103 và quy định các hành vi mới phù hợp với Luật Thủy sản năm 2017; đồng thời, quy định các hành vi vi phạm quy định về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).



Nghị định số 42/2019/NÐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản chính thức có hiệu lực từ ngày 5/7/2019.

Theo đó, cá nhân sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng nếu không đăng ký nuôi thủy sản lồng bè hoặc không đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Đối với hành vi không đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất hoặc trang thiết bị kỹ thuật về điều kiện nuôi thủy sản theo quy định sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Đặc biệt, Nghị định 42 quy định mức phạt tiền một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với cá nhân tối đa 1 tỷ đồng như “ Hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn, hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn thì phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Ngoài ra, tùy theo tính chất mức độ của từng hành vi vi phạm còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu thủy sản khai thác, thủy sản chuyển tải trái phép, tịch thu tàu cá đối với hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản có thời hạn…

Cũng tại Nghị định 42 quy định đối với các hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới), phạt tiền đến 40 triệu đồng, tăng nhiều lần so với Nghị định 103; vi phạm quy định về tàng trữ, sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc để khai thác thủy sản phạt tiền đến 70 triệu đồng; đối với vi phạm sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định 42 cũng quy định chi tiết các hành vi vi phạm về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; vi phạm quy định về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá; vi phạm quy định về quản lý cảng cá; vi phạm về quy định sản xuất, ương dưỡng, khảo nghiệm giống thủy sản…

Mức phạt tiền quy định tại chương II, chương III (trừ hành vi vi phạm quy định tại điều 40 nghị định này) nghị định này là thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân. Trong trường hợp tổ chức có hành vi vi pham như cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân./.

    Trọng Hoàng - TTKN Bà Rịa Vũng Tàu