Hiện nay, chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong vùng, từ đó giúp người dân áp dụng nhân rộng mô hình để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc.
Xuất phát từ mục đích trên, trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã xây dựng mô hình “Nuôi ong mật theo hướng an toàn sinh học trong vùng đồng bào dân tộc”. Mô hình đã được triển khai tại huyện Lâm Hà với quy mô 105 thùng/07 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng hỗ trợ 70% về giống ong và vật tư để thực hiện mô hình. Ngoài ra, các nông hộ tham gia mô hình và những hộ có nhu cầu chăn nuôi ong lấy mật được Trung tâm tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong mật theo hướng an toàn sinh học. Thông qua lớp tập huấn, các nông hộ tham gia đã cơ bản vận dụng được kiến thức chăn nuôi ong mật vào thực tế chăn nuôi ong tại gia đình.
Đàn ong giống sau khi giao cho các nông hộ để thực hiện mô hình đã sinh trưởng và phát triển tốt, tốc độ phát triển đàn mạnh phù hợp với điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc tại địa phương, các nông hộ tham gia mô hình là những người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi ong và thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Với sự thích ứng và phát triển của đàn ong như hiện tại, các mô hình đạt năng suất bình quân từ 24 - 25 kg mật/đàn/năm với mức giá hiện nay, dự kiến mỗi đàn ong sẽ cho thu nhập từ 2,4 đến 2,5 triệu đồng/năm.
Trong tình hình hiện nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rộng rãi đã làm giảm đáng kể các quần thể côn trùng thụ phấn tự nhiên, ong mật được đưa đến bởi người nuôi ong đang làm tăng năng suất cây trồng và có thể tiết kiệm một khoản tiền lớn cho nông dân với những cây trồng nhất định thay vì phải áp dụng các phương pháp thụ phấn khác. Đối với môi trường, khi phát triển nuôi ong theo hướng an toàn sinh học, các vùng nguồn phấn và mật hoa sẽ hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên các sản phẩm hữu cơ thân thiện và ít ảnh hưởng tới môi trường sống của cộng đồng.
Mô hình “Chăn nuôi ong mật theo hướng an toàn sinh học trong vùng đồng bào dân tộc” bước đầu đã thành công, mô hình đã cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm mật ong an toàn, không tồn dư kháng sinh, phù hợp với quy mô hộ gia đình và quy mô trang trại tập trung. Đây là hướng đi tích cực, đáng khích lệ phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, sản phẩm thân thiện với môi trường đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Kết quả mô hình có thể khẳng định: đây là mô hình sản xuất có hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời có thể áp dụng nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. /.
Văn Đắc - TTKN Lâm Đồng