Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nuôi cá nước ngọt lợi nhuận 250 triệu đồng/ha/năm

Nhận thấy nguồn tiêu thụ cá nước ngọt tại địa phương và các vùng lân cận rất lớn. Anh Đoàn Văn Ngự sinh năm 1969 ngụ tại thôn 11, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh đã mạnh dạn chuyển đổi 4 ha đất lúa kém hiệu quả và đất sình sang nuôi cá nước ngọt theo hướng bán công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.



Năm 2010, anh bắt tay vào đào ao nuôi cá với quy mô 4 ha đất ruộng, anh chia thành 3 ao riêng biệt. Ao thứ nhất: Ao nuôi cá bột (cá giống): nước nông hơn , nuôi trong khoảng thời gian 3 - 4 tháng; ao thứ hai (nuôi cá 4 - 5 tháng): nuôi được khoảng 8 tháng bắt đầu thu hoạch, những con cá lớn bán trước; ao thứ 3: thu cá từ ao thứ 2 được khoảng 70 - 80% sẽ chuyển sang ao thứ 3 để nuôi thêm và bán thương phẩm, sau đó cải tạo ao nuôi thứ 2, tiếp tục cho vụ nuôi mới. Anh Ngự đã thiết kế các ao được thông nhau bằng hệ thống ống lớn để khi san lọc cá nuôi, không ảnh hưởng đến sức khỏe đàn cá. Đồng thời các ao được bố trí hợp lý có đường nước vào, hệ thống nước ra để căn chỉnh mực nước và vệ sinh ao nuôi được dễ dàng và thuận lợi.

Các năm trước anh thả hỗn hợp các loại cá như: trắm cỏ, chép, trôi, rô phi, mè,… tuy có thu nhập cao hơn lúa nhưng việc xuất bán không đồng loạt. Từ năm 2015 trở lại đây, anh mạnh dạn chuyển sang nuôi chủ lực cá rô phi đơn tính và thả kèm thêm một số loại cá như trắm, trôi, mè, chép để tận dụng được nguồn thức ăn còn dư thừa trong ao nuôi. Anh nuôi gối đầu các lứa cá để có hàng bán quanh năm cho khách hàng. Với thời gian nuôi từ 8 tháng đến 1 năm mới xuất bán nên chất lượng thịt cá thơm ngon, được người tiêu dùng lựa chọn. Hàng năm anh đầu tư 200 triệu đồng mua cá giống về ương nuôi thương phẩm trên diện tích 4 ha, anh Ngự thu về 100 tấn cá thương phẩm các loại, giá bán trung bình các loại cá 35.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập 3,5 tỷ đồng. Chi phí thức ăn cho cá khoảng 2 tỷ đồng, thuốc phòng trị bệnh, cũng như thuốc xử lý ao trong mỗi đợt nuôi, công chăm sóc 500 triệu đồng/năm. Lợi nhuận hàng năm của gia đình anh Ngự sau khi trừ chi phí giống, thuốc, công chăm sóc… khoảng 1 tỷ đồng/4 ha. Tính ra 1 ha mỗi năm cho thu nhập lên đến 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với cùng diện tích trước đây gia đình anh Ngự trồng lúa và cao hơn cả trồng cà phê. Trong quá trình nuôi, các lứa cá được bố trí các khu nuôi hợp lý, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp. Nhiều hộ kinh doanh các hồ câu ở khu vực Đức Trọng, Nam Ban (Lâm Hà)… xuống mua cá của anh về nuôi cho câu cá giải trí và bán cho bà con nông dân trong vùng khi có nhu cầu tiêu dùng.

Có được kết quả như trên, anh Ngự là người dám nghĩ, dám làm và đi đầu trên địa bàn xã Hòa Bắc trong việc nuôi cá nước ngọt, cá được chăm sóc bài bản như khẩu phần ăn đảm bảo theo từng lứa tuổi của cá, phòng bệnh và xử lý nguồn nước nuôi định kỳ bằng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để phân hủy các mùn bã hữu cơ còn tồn dư trong ao nuôi, bón vôi cho ao nuôi để cân bằng độ pH môi trường nước. Anh Ngự cho biết: “Xung quanh ao nuôi không nên trồng cây che bóng mát nhiều, vì khi nuôi cá với diện tích mặt nước lớn sẽ dễ gây thiếu oxy cho cá. Vào những ngày không có gió anh phải dùng máy tạo oxy cho ao nuôi, anh thường dùng vào thời điểm từ 2 - 3 giờ sáng đến 6 - 7 giờ sáng hôm sau, có như vậy cá mới lớn nhanh và đồng đều về kích thước cũng như trọng lượng”.

Mô hình nuôi cá của gia đình anh Ngự đáng để bà con nông dân trong xã và các vùng lân cận có cùng điều kiện đất đai, thuận lợi cho nuôi các loại cá nước ngọt đến học hỏi để nhân rộng mô hình, phát triển kinh tế trong thời gian tới./.

Văn Phụng - Bùi Hằng- TTKN Lâm Đồng