Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ninh Bình: Thành công từ mô hình trồng rau, củ

Nhắc đến hộ làm kinh tế giỏi ở xã Mai Sơn (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) người dân địa phương không ai là không biết đến gia đình ông Tống Viết Lư. Với trang trại hơn 2 ha trồng cà chua, cà chua nhót, cải bắp, su hào... mỗi năm đem lại cho gia đình ông trên 500 triệu đồng.



Bắt tay vào nghề trồng rau, củ từ năm 1995 nhưng do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên gia đình ông Lư trồng rau với mức đủ ăn và bán ngoài chợ chỉ đủ chi tiêu cho sinh hoạt gia đình. Nhận thấy cà chua là một trong những loại quả tiêu dùng hàng ngày lại dễ trồng nên gia đình ông đã lựa chọn. Để khác biệt và đem lại thành công, ông đã chọn trồng cà chua nhót trái vụ theo hướng VietGAp là hướng đi chính cho phát triển kinh tế. Nhưng những thành công ngày hôm nay không phải tự nhiên mà có. Đó là thành quả từ những chuyến đi xa, lúc xe đạp, lúc xe máy, ông Lư đã một mình lặn lội sang tận Hải Dương, Quảng Ninh... để học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật, các cách làm hay... và cả tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Ông Lư cho biết: "Thời tiết nắng nóng cà chua có quả là rất khó, tôi nhiều năm làm trái vụ, lứa nào cũng cho quả sai trĩu. Với giá từ 12 - 15 nghìn đồng/kg bán tại vườn, tôi thu hoạch được khoảng 15 tấn, trừ chi phí có thể đạt 150 - 200 triệu đồng/ha. Với quy trình trồng mùa xuân thì thu hoạch mùa hè, trồng mùa hè thì thu hoạch mùa đông nên lúc nào cũng có quả để xuất đi".

Chia sẻ về kinh nghiệm nhiều năm trồng cà chua của mình, ông Lư cho biết: "Thời tiết nắng nóng hoa teo thì sẽ không có quả, vì vậy, khi trồng cà chua vào mùa nóng cần đặc biệt chú ý phải thụ phấn thủ công cho hoa bằng cách chấm những chùm hoa đến kỳ thụ phấn vào một bát nước dung dịch GA3 được phép lưu hành, pha đúng quy trình thì mới đậu quả".

Diện tích hơn 1 mẫu đất trồng cà chua đã đem lại hiệu quả tốt. Để có diện tích và vốn để mở rộng sản xuất, ông Lư đã đề nghị với các cấp chính quyền nhận những ruộng chiêm trũng không trồng được lúa để chuyển đổi sang trồng cà chua. Mặt khác ông cũng được Quỹ hỗ trợ nông dân ủng hộ giải ngân 50 triệu đồng mức vay ưu đãi với dự án "trồng cà chua nhót". Ông đã mở rộng đất, đầu tư hạt giống. Đến nay, diện tích trồng rau, củ của gia đình ông là 2,3 ha, trong đó 1,8 ha trồng cà chua nhót, còn 0,5 ha trồng dưa bao tử, cải bắp, su hào...

Ông Phạm Văn Toan - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Mô cho biết: "Nhằm hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế sản xuất, Hội Nông dân đã tín chấp Quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ hộ ông Lư sản xuất với quy mô lớn, tăng thu nhập. Nhận thấy mô hình trồng cà chua trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ nông dân đã đến thăm quan. Hiện nay có trên 10 hộ nông dân đã làm theo và cho thu nhập tương đối ổn định".

Lấy cà chua làm cây chủ đạo mỗi năm gia đình ông thu về trên 500 triệu đồng tổng các loại. Là một người ham làm, sáng tạo với cách nghĩ không theo lối mòn, "nói không với thực phẩm bẩn", ông Tống Viết Lư được UBND tỉnh vinh danh là 1 trong 143 điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Ninh Bình năm 2014./.

 

NT (Theo TTKNQG)