Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Những lưu ý chăm sóc nuôi dưỡng gia súc, gia cầm trong giai đoạn chuyển mùa

Hiện nay đang trong thời điểm giao mùa từ thu sang đông, thời tiết thay đổi bất thường nắng, mưa xen kẽ kèm không khí lạnh làm cho gia súc, gia cầm không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm, nếu chăm sóc vệ sinh không đảm bảo là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển và gây bệnh cho đàn vật nuôi.



Để đảm bảo sức khỏe và nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa, người chăn nuôi cần lưu ý một số biện pháp đồng bộ như sau:

  1. Chế độ ăn cho vật nuôi:

- Cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống cho đàn vật nuôi, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, phù hợp với con giống, lứa tuổi, mục đích sản xuất, của từng vật nuôi, không sử dụng thức ăn ẩm mốc, ôi thiu cho đàn vật nuôi ăn.

- Đối với gia cầm non (giai đoạn úm), đàn lợn con tập ăn, tốt nhất nên sử dụng thức ăn hỗn hợp để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.

- Đối với đàn trâu, bò cần cân đối đầy đủ thức ăn tinh kết hợp với thức ăn thô xanh, giai đoàn này cần dự trữ thức ăn cho trâu, bò bằng cách ủ chua như: Ủ chua rơm với ure, ủ chua thân cây ngô,… Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần phải cho đàn vật nuôi uống nước ấm có bổ sung thuốc bổ, trợ sức, điện giải, vitamin vào nước cho đàn vật nuôi uống.

  1. Phòng bệnh cho đàn vật nuôi:

- Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho từng đối tượng, lứa tuổi vật nuôi theo đúng lịch nhằm tăng khả năng miễn dịch chống lại bệnh dịch cho đàn vật nuôi, cụ thể:

+ Đàn trâu, bò, dê: Tiêm vắc xin phòng bệnh Tụ Huyết Trùng, Lở Mồm Long Móng.

+ Đàn lợn thịt: Tiêm vắc xin phòng 4 bệnh đỏ: Tụ Huyết Trùng, Đóng dấu, Dịch Tả, Phó Thương Hàn.

+ Đàn lợn nái và đực giống: Tiêm vắc xin phòng bệnh Tai Xanh, Lở Mồm Long Móng , Leptospira, Suyễn.

+ Đàn lợn con: Tiêm vắc xin Ecoli.

+ Đàn vịt, ngan: Tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả vịt, viêm gan do vi rút, cúm gia cầm, tụ huyết trùng…

+ Đàn gà: Tiêm vắc xin phòng bệnh newcastle, gumboro, cúm gia cầm, tụ huyết trùng…

 - Sử dụng thuốc kháng sinh để hòa vào nước uống hoặc trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm ăn để phòng một số bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi đột ngột như: Bệnh Tụ Huyết Trùng, Hen, Tiêu chảy (cần lưu ý thời gian ngưng thuốc).

 - Cần nuôi cách ly gia súc, gia cầm mới mua về từ 7 - 10 ngày trước khi đưa vào nhập đàn và tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới mua về.

  1. Vệ sinh chuồng trạichăn nuôi:

- Thường xuyên quét dọn bên trong và bên ngoài khu vực chăn nuôi, phát quang cây cối xung quanh chuồng nuôi. Vệ sinh sạch sẽ máng ăn và máng uống, dụng cụ chăn nuôi, định kỳ xử lý bằng hóa chất hoặc úp phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

 - Định kỳ phun thuốc sát trùng 1- 2 lần/1tuần bằng các loại thuốc sát trùng sau: Iodine 10%, Benkocid, Vinkon, BKA … phun toàn bộ diện tích chuồng nuôi kể cả bên trong và bên ngoài khu vực chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh.

 - Xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm Bioga, đệm lót sinh học, hố ủ phân trước khi sử dụng làm phân bón hoặc thải ra môi trường.

 - Cần che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh mưa tạt, gió lùa. Khi nhiệt độ môi trường giảm hoặc xuống thấp cần giữ ấm cho đàn vật nuôi.

  1. Chăm sóc đàn vật nuôi:

- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi để phát hiện sớm, tách riêng những con bị bệnh, những con có biểu hiện khác thường như: Bỏ ăn, sốt, ho, tiêu chảy để theo dõi điều trị kịp thời, có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng riêng cho những con bị bệnh.

- Trong quá trình chăm sóc và điều trị những con bị bệnh thấy không khỏi hay có biểu hiện bệnh nặng thêm cần báo ngay cho trưởng ban thú y hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời tránh dịch bệnh xảy ra./.

            Thanh Hiếu