Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhân rộng những mô hình nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn, nhất là các sản phẩm hữu cơ của người dân Thủ đô ngày càng tăng cao. Nhận thức rõ điều này, Hà Nội đã và đang nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương.



Phong trào sản xuất hữu cơ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở các địa phương sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội, nhất là những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp như: Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn, Chương Mỹ… Đã có những mô hình điển hình được cả nước quan tâm và học tập, như: Trang trại chăn nuôi Bảo Châu (huyện Sóc Sơn); trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất); Hợp tác xã Liên kết hữu cơ Ba Vì (huyện Ba Vì); lúa gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ); nấm kim châm, nấm sò hữu cơ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao (huyện Mỹ Đức)...

Từ năm 2012, xã Ðồng Phú, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã thí điểm trồng lúa hữu cơ với diện tích 5 ha. Sau vài vụ sản xuất, hiệu quả từ trồng lúa hữu cơ ngày càng rõ rệt, với giá bán cao, chất lượng tốt và dễ tiêu thụ hơn so với sản phẩm cùng loại. Việc sản xuất hữu cơ, không sử dụng các loại thuốc hóa học còn góp phần nâng chất lượng môi trường sống, sức khỏe nông dân, giảm chi phí đầu vào…

Cùng với xã Ðồng Phú, nông dân tại một số địa phương khác ngoài việc mở rộng diện tích canh tác rau an toàn cũng bắt đầu sản xuất các loại rau hữu cơ; áp dụng phương pháp sản xuất “6 không”, gồm không bón phân hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gien, không kích thích tăng trưởng và không thuốc bảo quản.

Trong quá trình sản xuất, nông dân khôi phục các kinh nghiệm canh tác truyền thống, áp dụng trồng các cặp cây cạnh tranh, đối kháng và hỗ trợ nhau. Xây dựng mô hình canh tác nhiều tầng tán, đa canh, xen canh, luân canh...

Đến nay, toàn thành phố duy trì hơn 5.000 ha trồng rau an toàn, có 119 ha trồng rau trong nhà lưới; 306,5 ha trồng chè ứng dụng công nghệ cao; 154 cánh đồng mẫu lớn trồng lúa chất lượng cao với quy mô 100 ha tại 86 hợp tác xã của 14 huyện. Thành phố cũng xây dựng được 4 nhãn hiệu tập thể lúa chất lượng cao: Gạo Bồ Nâu, nếp cái hoa vàng Sóc Sơn và Đông Anh, gạo thơm Bối Khê. Có 12 nhãn hiệu tập thể với hàng nghìn héc ta trồng cây ăn quả như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đường Quế Dương, cam Canh Kim An,…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Công tác kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm, dẫn đến không ít người tiêu dùng chưa thật sự yên tâm, tin tưởng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Đánh giá cao định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp &PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm hữu cơ, có thị trường tiêu thụ sản phẩm cao, đất đai phù hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, Hà Nội cần tập trung xác định vùng tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ để có giải pháp bảo vệ, cải tạo các vùng đất này, hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ và đặc biệt là cần có sự liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng…

Ðể phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khảo sát, kiểm định điều kiện để quy hoạch các vùng sản xuất, bao gồm cả vùng đệm, vùng cách ly đủ điều kiện sản xuất hữu cơ. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, sinh học, các chế phẩm vi sinh cải tạo đất. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Nhấn mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ khảo sát, kiểm định điều kiện để quy hoạch các vùng canh tác đủ điều kiện sản xuất hữu cơ. Trên cơ sở xác định những vùng có tiềm năng thúc đẩy mở rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ, Thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nhóm ngành hàng này.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cũng cho rằng, cần có sự giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến kiểm định chất lượng nông sản hữu cơ. Đồng thời nhấn mạnh, sự tham gia của các doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững, tiến tới nhân rộng các vùng nông nghiệp hữu cơ./.

NT (Theo Chinhphu.vn)