Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nguyên tắc sử dụng vắc xin cho vật nuôi

Tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Vì vậy, người chăn nuôi cần quan tâm hơn nữa về tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm nhằm hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi.



Vắc xin là chế phẩm sinh học, chứa các mầm bệnh đã bị làm yếu đi hoặc đã bị làm chết (tức là không còn khả năng gây bệnh nữa). Sau khi tiêm vào cơ thể vật nuôi, chế phẩm này sẽ kích thích cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu để chống lại bệnh. Vì vậy, việc sử dụng vắc xin sẽ đòi hỏi kỹ thuật trong cả bảo quản và cách sử dụng để giúp đạt hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh.

Mỗi loại vắc xin đều có những đặc thù riêng, hiệu quả và thời gian miễn dịch phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng vắc xin. Nếu quản lý và sử dụng đúng quy trình kỹ thuật sẽ đảm bảo thời gian miễn dịch kéo dài và an toàn, ngược lại sẽ làm giảm khả năng tạo miễn dịch của vắc xin. Do đó, khi sử dụng vắc xin người chăn nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau:

Bảo quản, vận chuyển vắc xin:

 Vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp: < 00C (đối với vắc xin sống), từ 2 - 80C (đối với vắc xin chết); sử dụng riêng tủ để bảo quản vắc xin và định kỳ vệ sinh tủ.

Khi vận chuyển, cần giữ vắc xin trong điều kiện râm mát, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp và phải có thùng bảo ôn, phích đá để bảo quản trong suốt quá trình vận chuyển. Nếu mua với số lượng ít, nơi mua gần thì bảo quản bằng túi nilông tối màu có giấy bọc. Trong quá trình bảo quản, vận chuyển cần bao gói kỹ, tránh hiện tượng va đập và đặc biệt không cho ánh nắng trực tiếp chiếu vào để đảm bảo chất lượng và hiệu quả phòng bệnh của vắc xin.

Sử dụng vắc xin đúng kỹ thuật:

Tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm; Vắc xin phòng bệnh nào thì chỉ phòng được bệnh đó, không phòng được bệnh khác;

Không được tiêm vắc xin cho động vật đang mắc bệnh, nghi mắc bệnh, động vật quá gầy yếu, quá non, con mẹ mới đẻ, động vật mới phẫu thuật chưa lành vết thương, động vật mang thai ở kỳ cuối…

Dụng cụ tiêm phòng (bơm kim tiêm) phải đảm bảo tiệt trùng. Biện pháp tốt nhất là luộc sôi để nguội trước khi sử dụng. Không dùng cồn, thuốc sát trùng để sát trùng bơm kim tiêm khi tiêm vắc xin.

Dùng vắc xin đủ liều, đúng đường tiêm, đúng vị trí, đủ độ sâu và đúng lịch theo hướng dẫn của nhà sản xuất; vị trí tiêm phải được sát trùng; lắc kỹ lọ vắc xin trước khi sử dụng; vắc xin đã pha hoặc đã cắm kim tiêm, nên dùng càng sớm càng tốt, nếu thừa phải hủy, không được dùng cho ngày hôm sau. Vắc xin, dụng cụ, vật tư sau khi kết thúc tiêm phải được thu gom để xử lý.

Cần theo dõi vật nuôi để kịp thời can thiệp các trường hợp phản ứng hoặc gia súc, gia cầm có thể bị sốc phản vệ. Chỉ mua vắc xin mua ở những nơi uy tín, có đủ điều kiện, được cấp phép bán vắc xin để đảm bảo chất lượng vắc xin và được tư vấn kỹ thuật về cách sử dụng. Không mua bán, sử dụng các loại vắc xin trôi nổi, không rõ nguồn gốc, vắc xin chưa được cấp phép lưu hành.

Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho động vật nuôi:

Bệnh ở trâu bò: Lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục;

Bệnh ở lợn: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn;

Bệnh ở dê, cừu: Lở mồm long móng, nhiệt thán;

Bệnh ở gà, chim cút: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), niu cát xơn;

Bệnh ở vịt, ngan: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), dịch tả vịt;

Bệnh ở chó, mèo: Dại động vật.

Những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng vắc xin: 

Phải có sổ theo dõi: ghi chép đầy đủ ngày dùng, tên, số lô, trạng thái và hạn sử dụng của vắc xin; tình trạng sức khoẻ của vật nuôi trước và sau khi sử dụng vắc xin.

Kiểm tra lọ vắc xin trước khi sử dụng: Thông tin trên nhãn: tên vắc xin, số lô, số liều sử dụng, ngày sản xuất, số kiểm nghiệm xuất xưởng, thời hạn sử dụng, quy cách bảo quản. Những hư hỏng trong lọ vắc xin: nút chặt hay lỏng, nguyên vẹn hay bị rách, tình trạng lớp sáp phủ bên ngoài, lọ thủy tinh có bị rạn nứt không. Tình trạng vắc xin trong lọ: màu sắc, kết cấu, có bị vón không, có vật lạ không, độ đồng nhất (nếu khi lắc lọ vắc xin vẫn chia thành 2 lớp là đã bị hư hỏng).

Thao tác khi sử dụng vắc xin: Khử trùng các dụng cụ dùng để đựng, pha chế vắc xin bằng cách hấp hoặc luộc, sau đó rửa bằng nước sạch (nước sôi để nguội). Không được rửa bằng cồn, thuốc sát trùng. Trong lúc tiêm phòng cần tránh ánh nắng mặt trời.

Tất cả vắc xin thừa sau mỗi ngày tiêm cần tập trung lại và tiêu hủy; các dụng cụ tiêm hoặc nhỏ vắc xin phải rửa sạch và sát trùng ngay. 

Vì lợi ích của gia đình và cộng đồng, người chăn nuôi hãy liên hệ với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn hoặc Trạm chăn nuôi và thú y địa phương để được tư vấn, hướng dẫn phòng bệnh hiệu quả./.

Cấn Xuân Minh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội