Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nghĩa Hương tập trung phát triển kinh tế

Xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai) có hơn 930 hộ làm nghề phụ đan nan cót, đan mây tre giang và chế biến lâm sản, kinh doanh dịch vụ, vận tải... Nhờ tập trung gìn giữ, phát triển nghề truyền thống, nên đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.



Anh Nguyễn Văn Lương ở thôn Thế Trụ cho biết, cùng với làm nông nghiệp, gia đình cũng làm nghề truyền thống đan nan cót từ nhiều đời nay, tạo nên những sản phẩm là thúng, nong, nia, bồ, mẹt trơn, mẹt hoa…, thu nhập bình quân đạt từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Cũng theo anh Lương, những người già và trẻ em trong độ tuổi học sinh cũng có thể thu xếp thời gian tham gia đan lát, cho thu nhập 1,5-2 triệu đồng/ người/tháng nên cuộc sống của gia đình anh và những hộ làm nghề trong thôn khá ổn định.

Tương tự là gia đình ông Vương Văn Thức ở thôn Văn Khê, mặc dù cả 2 vợ chồng đều là cán bộ nghỉ hưu, nhưng ông bà cùng các con, cháu vẫn duy trì làm nghề truyền thống. Hai ông bà tham gia đan lát những lúc rảnh rỗi, vừa tạo niềm vui, sống có ích khi tuổi già, vừa có thêm thu nhập 100.000 đồng/ngày để cải thiện đời sống.

Hiện, cả 3 thôn của xã Nghĩa Hương có hàng nghìn người dân gắn bó, phát triển nghề đan nan cót và đan mây tre giang truyền thống. Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương Nguyễn Quang Tuấn, sản phẩm từ nghề truyền thống của Nghĩa Hương không chỉ được xuất bán ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, mà còn vươn tới thị trường nước ngoài. Ngoài ra, nhiều lao động của địa phương còn làm trong các công ty, doanh nghiệp sản xuất tại cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn xã và huyện Quốc Oai, có thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Nhờ tập trung phát triển nghề phụ, tạo việc làm ổn định cho người trong độ tuổi lao động nên giá trị sản xuất từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hằng năm của xã đạt khoảng 160 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ thương mại ở Nghĩa Hương cũng được đẩy mạnh, phục vụ việc kinh doanh, lưu thông hàng hóa với giá trị ước đạt từ 90 đến 100 tỷ đồng/năm, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất toàn xã lên hơn 310 tỷ đồng/năm, bình quân thu nhập đạt 55 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, do các hộ làm nghề ở Nghĩa Hương chủ yếu sản xuất, kinh doanh tại nhà, việc vận chuyển hàng hóa khó khăn do đường làng, ngõ xóm chật hẹp, nơi tập kết vật liệu. Nơi sản xuất là trong nhà, sân vườn và cả đường ngõ nên rất bất tiện. Do đó, xã đã đề nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ địa phương xây dựng điểm công nghiệp làng nghề xa khu dân cư, tổng diện tích hơn 11ha, nhằm giúp những hộ làm nghề có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và giữ gìn sạch, đẹp môi trường khu dân cư.

“Từ nay đến cuối năm 2022, xã tiếp tục tích cực đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn; tăng cường hoạt động của các ngành dịch vụ, thương mại, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống người dân, phấn đấu sớm hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh./.

TA (Theo Báo HNM)