Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Ngày 30/7/2019, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.



     Theo đó, Nghị quyết quy định cụ thể những ưu đãi, hỗ trợ dựa trêncác quy định khung về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp.

   Cụ thể hóa một số chính sách theo quy định của Trung ương

     Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có 2 hình thức hỗ trợ sau khi dự án đi vào hoạt động gồm: Hỗ trợ lãi suất với mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư, hạn mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 70% tổng mức đầu tư dự án nhưng không quá 03 tỷ đồng/dự án/năm. Hỗ trợ tập trung đất đai khi doanh nghiệp có dự án ưu đãi đầu tư,nhà đầu tư được hỗ trợ 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 5 năm đầu tiên khi dự án đi vào hoạt động nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/dự án.

            Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Dự án liên kết sản xuất được ngân sách hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết như nhà lưới, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, kho tàng… tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng. Hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi với tổng mức hỗ trợ không quá 01 tỷ đồng/dự án.

            Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù của tỉnh

            Hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư mới nhưng tối đa là 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; đối với các cơ sở đã đầu tư đúng quy hoạch nếu tiếp tục đầu tư mở rộng nâng công suất sẽ được xem xét hỗ trợ bằng 60% chi phí phần đầu tư mở rộng nhưng không quá5 tỷ đồng/dự án.

            Về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP: tỉnh hỗ trợ lãi suất cho tổ chức, cá nhân thực hiện dự án có mức dư nợ tối thiểu 100 triệu đồng đến tối đa là 10 tỷ đồng với mức hỗ trợ lãi suất là 6%/năm trong thời gian không quá 3 năm/dự án, với các dự án ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn thì không quá 5 năm/dự án.Hỗ trợ dồn điền, đổi thửa mức không quá 20 triệu đồng/ha. Hỗ trợ không quá 70% chi phí giống, vật tư thiết yếu của dự án liên kết với tổng mức không quá 500 triệu đồng/dự án.

            Về tuyên truyền quảng bá, xúc tiến thương mại: Hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng, cải tạo, mua sắm trang thiết bị, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, mở website quảng cáo; Hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/lần đối với đơn vị tham gia liên kết sản xuất đưa sản phẩm tham gia hội chợ ở trong tỉnh, 20 triệu đồng/lần với hội chợ tổ chức ngoài tỉnh và không quá 40 triệu đồng/lần khi tham dự hội chợ ở nước ngoài. Hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/sản phẩm xây dựng nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và áp dụng tiêu chuẩn, hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến.

            Về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ: Hỗ trợ 70% kinh phí mua vật tư cho các dự án sản xuất phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học nhưng không quá 200 triệu đồng/dự án. Dự án đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh tổ chức giải phóng mặt bằng, đầu tư đường giao thông, cấp điện, nước đến chân hàng rào, đê bao khu vực dự án.

            Nguồn vốn thực hiện được bố trí từ ngân sách nhà nước. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 10 tháng 8 năm 2019./.

                                                Minh Trí - TTKN Quảng Ninh