Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngành bảo vệ thực vật: Gánh vác trọng trách mới

Ở bất cứ giai đoạn nào, ngành bảo vệ thực vật cũng luôn đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực trồng trọt, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích cây trồng, tăng giá trị nông sản, đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu… Bên cạnh sứ mệnh bảo vệ cây trồng, mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân, ngành bảo vệ thực vật đang gánh vác trọng trách tham gia xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, phát triển theo hướng xanh, an toàn, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.



Bảo vệ sản xuất

Những ngày này, cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Thường Tín tất bật với các lớp tập huấn kỹ thuật hỗ trợ nông dân sản xuất an toàn. Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Thường Tín Nguyễn Thị Chiêu cho biết: Đơn vị thường xuyên phối hợp với các hợp tác xã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên đề về phương pháp điều tra, phát hiện sâu bệnh trên các loại cây trồng theo mùa vụ và biện pháp phòng trừ; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; hướng dẫn công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật và giới thiệu kỹ thuật sản xuất rau an toàn.

Các lớp tập huấn giúp bà con nông dân nắm bắt được các kỹ năng cơ bản để nhận biết các loại sâu bệnh trên cây trồng, nhất là vụ đông năm nay khi thời tiết diễn biến khó dự đoán, triển khai thực hiện các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh phù hợp... bảo đảm cho vụ đông đạt năng suất, sản lượng cao.

Do biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có xu hướng diễn biến phức tạp với tần suất, mức độ gây hại mạnh khiến người nông dân đối diện với nhiều thách thức, rủi ro.

Phó Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga thông tin: Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất lúa trên địa bàn còn rất ít mà chủ yếu là rau màu, cây ăn quả. Với các vùng rau trọng điểm như: Văn Đức, Đặng Xá (quy mô lên tới hơn 200 ha mỗi vùng), việc phát triển theo hướng an toàn, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trên cây trồng vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ. Do đó, công tác chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ bảo vệ thực vật thường xuyên được củng cố và nâng cao.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng đánh giá: Cán bộ bảo vệ thực vật ở cơ sở hiện nay không chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra đồng ruộng, thông báo sinh vật gây hại, mà còn tham gia công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chương trình IPM… Hơn 5.000 ha lúa hàng hóa của huyện hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất lúa vẫn vào nhóm cao của thành phố. Các vùng rau an toàn được áp dụng nhiều kỹ thuật mới như sử dụng màng phủ giúp nông dân hạn chế tối đa sâu bệnh trên cây trồng.

Hướng tới phát triển bền vững

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh các giải pháp hướng tới sản xuất bền vững, phát triển nông nghiệp sạch.

Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết: Cùng với việc bảo vệ sản xuất, ngành bảo vệ thực vật đang gánh vác trọng trách xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, góp phần tăng giá trị nông sản, đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu… Trong những năm qua, từ việc triển khai các chương trình chuyển giao kỹ thuật mới trên cây lúa, rau, chè, cây ăn quả… tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của Hà Nội vào loại thấp nhất cả nước. Hầu hết các vùng sản xuất lúa hàng hóa ở các huyện: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức…, người nông dân đã nói không với thuốc bảo vệ thực vật. Đây là một thành công lớn. Thời gian tới, để các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả cao, Hà Nội sẽ tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức của ngành bảo vệ thực vật.

Phát triển ngành Nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản xuất sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, gắn liền với bảo vệ môi trường, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đang tập trung xây dựng mô hình phát triển hiệu quả đối với các loại cây trồng chủ lực; tăng cường tập huấn và chuyển giao tiến bộ khoa học về phòng trừ sâu bệnh cho các tổ chức và cá nhân. Việc tập huấn diễn ra thường xuyên và có kế hoạch cụ thể qua các cấp độ khác nhau, từ tập huấn ngắn ngày đến tập huấn chuyên đề chuyên sâu.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin: Là địa phương có diện tích cây trồng lớn (khoảng 200.000 ha), công tác bảo vệ thực vật được thành phố hết sức coi trọng, không chỉ bảo đảm thắng lợi mùa vụ mà còn đáp ứng các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và các nước xuất khẩu. Sở Nông nghiệp & PTNT đã chủ động triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình tập huấn, xây dựng những mô hình cánh đồng không thuốc bảo vệ thực vật làm hình mẫu để người dân học tập, nhân rộng trong sản xuất./.

NB (Theo Báo HNM)