Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số lưu ý khi tái đàn vật nuôi sau Tết Nguyên đán

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm tái đàn vật nuôi để tiếp tục chu kỳ chăn nuôi mới. Vì vậy bà con cần lưu ý một vài biện pháp sau:



  1. Đối với chuồng trại

Ngay sau khi xuất bán hết vật nuôi, cần thu gom và xử lý toàn bộ phân, rác thải, quét sạch màng nhện, bụi bám trên mái, tường, rèm che trong chuồng nuôi. Đối với chất thải cần được xử lý bằng các biện pháp thích hợp cụ thể như sau:

- Với chất thải rắn như: Chất độn chuồng bằng trấu, rơm rạ, lá cây… thu gom lại xử lý bằng cách đốt hoặc ủ nhiệt sinh học để tiêu diệt toàn bộ mầm bệnh.

- Với phân và nước tiểu của gia súc, gia cầm cần được xử lý qua bể Biogas hoặc ủ nhiệt sinh học.

 - Rửa sạch toàn bộ chuồng nuôi bằng nước sạch, sau đó để khô, phun thuốc sát trùng, quét nước vôi toàn bộ tường, nền và lối đi đồng thời sửa chữa, gia cố lại chuồng trại.
         - Để trống chuồng trước khi nhập đàn vật nuôi mới, thời gian trống chuồng ít nhất là 2 tuần (đối với nuôi gia súc, gia cầm nuôi lấy thịt), 4 tuần (đối với vật nuôi sinh sản). Trong khoảng thời gian để trống chuồng cần tu sửa lại hệ thống chuồng nuôi, hệ thống chụp sưởi, hệ thống cấp nước, hàng rào, tường bao quanh khu vực chăn nuôi cũng như cổng ra vào, hố sát trùng trước cửa chuồng nuôi. Vệ sinh máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi sau đó phơi khô khi trời có nắng rồi phun thuốc sát trùng.
        - Sau khi tu sửa xong, chuồng nuôi cần được quét nước vôi từ tường xuống dưới nền. Khi nước vôi khô, phun hóa chất sát trùng bên trong, bên ngoài chuồng nuôi và xung quanh khu vực chăn nuôi bằng một số thuốc khử trùng như: Benkocid, BKA, Paccoma…
        - Tiến hành khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm xung quanh chuồng nuôi để hạn chế ruồi muỗi và các động vật trung gian gấy bệnh trú ngụ.

- Vệ sinh bãi chăn thả, thu dọn phân, rác thải, cuốc xới đất 15 - 20 cm, rắc vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh.

  1. Đối với con giống:

 - Chỉ mua con giống ở những cơ sở giống có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y cấp, bảo đảm chất lượng, không có dịch bệnh; chọn những con khỏe mạnh, nhanh nhẹn và đã được tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm theo quy định.

 - Khi mua gia cầm về, nên nuôi ở khu cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi, nếu không có dấu hiệu dịch bệnh mới nhập vào khu đàn nuôi cũ.
        3. Chăm sóc, nuôi dưỡng

- Gia cầm non khi mới nhập về cần phải áp dụng tốt kỹ thuật úm, dùng bóng điện sợi đốt, bóng hồng ngoại hoặc sưởi ấm bằng than, củi, trấu… để giữ ấm cho vật nuôi (chú ý khi đốt lửa sưởi phải có đường ống dẫn khói thải ra ngoài chuồng, tránh hiện tượng ngạt, ngộ độc vật nuôi và vị trí đốt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy)

 - Cung cấp khẩu phần ăn đầy đủ về số lượng, đảm bảo dinh dưỡng cho từng loại, lứa tuổi vật nuôi. Bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng, men tiêu hóa nhằm tăng cường sức khoẻ cho gia cầm.

 - Chủ động phòng bệnh cho đàn gia cầm bằng vaccine theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình chăn nuôi.

- Khi phát hiện đàn gia cầm có biểu hiện khác thường phải báo cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để kiểm tra, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời tránh dịch bệnh lây lan và phát tán.

- Trong quá trình thực hiện công việc người chăn nuôi phải thực hiện đúng quy trình, vệ sinh thú y như: Mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, đi ủng, đeo kính bảo hộ, đội mũ, đi găng tay… Sau khi thực hiện công việc xong phải tắm rửa và sát trùng tay, chân, quần áo và các vật dụng có liên quan./.

                        Vương Thị Chung – Trung tâm DVNN huyện Thạch Thất