Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) dựa trên cơ sở cân bằng hệ sinh thái, giảm thiểu việc sử dụng vật tư đầu vào, không sử dụng hóa chất tổng hợp, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ đất đai, nguồn nước, đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học.



Phương pháp canh tác trồng trọt hữu cơ được xây dựng trên cơ sở kết hợp kiến thức khoa học về sinh thái học, công nghệ hiện đại với canh tác truyền thống và các quá trình sinh học tự nhiên. Các phương pháp chủ yếu trong NNHC bao gồm luân canh cây trồng, sử dụng phân xanh, phân compost, sử dụng thiên địch, cơ giới hóa trong canh tác, chất hữu cơ phủ đất được sử dụng để kiểm soát bệnh và cỏ dại, không sử dụng hạt giống biến đổi gen…

Lâm Đồng là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển NNHC, có thể tạo ra nguồn sinh khối, nguyên liệu phong phú phục vụ sản xuất NNHC, có nhiều vùng rừng núi tự nhiên, chủ yếu canh tác quảng canh chưa bị ô nhiễm của hóa chất rất phù hợp cho trồng trọt, chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ. Công nghệ sinh học đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất như sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh chức năng, các chế phẩm xử lý môi trường đất, nước và nhiều chế phẩm vi sinh, thuốc thảo mộc có thể thay thế thuốc hóa học trong bảo vệ thực vật.

Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất NNHC đã được ban hành. Đây là cơ sở để định hướng, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất NNHC; chứng nhận NNHC và làm cơ sở để các địa phương xây dựng các kế hoạch phục vụ công tác quản lý Nhà nước về kiểm tra, giám sát liên quan đến NNHC.

Nguồn lao động dồi dào và có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo trong sản xuất NNHC. Nhận thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao. Có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái gắn với NNHC trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Một số sản phẩm NNHC của Lâm Đồng đã được chứng nhận quốc tế để xuất khẩu…

Bên cạnh những thuận lợi trên thì sản xuất NNHC tại Lâm Đồng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đó là: Quy trình sản xuất NNHC khá khắt khe, chi phí sản xuất cao, năng suất cây trồng vật nuôi thấp, thị trường cho sản phẩm NNHC không ổn định. Do vậy, đa số nông dân chưa có nhu cầu chuyển đổi sang sản xuất NNHC.

Sản xuất NNHC còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có định hướng rõ về vùng sản xuất, đối tượng cây trồng, vật nuôi cụ thể. Thị trường nội địa cho sản phẩm NNHC chưa phát triển, trong khi thị trường xuất khẩu chưa có sẵn. Lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm hữu cơ chưa cao.

Hệ thống văn bản qui phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đồng bộ. Cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển NNHC còn thiếu. Hệ thống tổ chức chứng nhận chưa mạnh, thiếu sự công nhận, thừa nhận của quốc tế.

Hạ tầng phụ trợ (chứng nhận, xúc tiến thương mại, cơ chế đầu tư, dịch vụ, cung cấp vật tư đầu vào cho NNHC như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) cho NNHC chưa phát triển, do đó chưa khuyến khích phát triển NNHC tại địa phương.

Từ thực trạng trên thì sản xuất NNHC tại Lâm Đồng cần thể hiện rõ một số quan điểm, giải pháp định hướng trong thời gian tới đó là:

Một là, Tiếp tục thực hiện mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận, đặc biệt các sản phẩm có giá trị xuất khẩu.

Hai là, Phát triển NNHC cần dựa vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để xác định chủng loại sản phẩm, qui mô sản xuất phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, xã hội, giữ vững an ninh lương thực, gắn phát triển NNHC với du lịch canh nông, du lịch sinh thái… Tập trung đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn có khuyến khích sử dụng tối đa các yếu tố hữu cơ.

Ba là, Thực thi các qui định tại luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, luật tiêu chuẩn và qui chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, chứng nhận, giám sát quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NNHC, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội trong các hoạt động giám sát, giúp người tiêu thụ an tâm khi sử dụng sản phẩm hữu cơ. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học.

Bốn là, Tăng cường các hoạt động xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ của tỉnh, chú trọng thị trường xuất khẩu và hướng đến thị trường trong nước. Tăng cường đào tạo, hợp tác quốc tế về NNHC, nâng cao năng lực và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Năm là, Tuyên truyền phổ biến về sản xuất NNHC, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ quy trình sản xuất NNHC, lựa chọn những sản phẩm có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương để áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ.

Sáu là, Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích phát triển NNHC, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học nhằm khai thác tối đa nguồn phân chuồng, phân xanh, phế phụ phẩm nông nghiệp cũng như các nguồn hữu cơ khác để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng đủ về lượng và cân đối tỷ lệ. Sử dụng các giống có năng suất và chất lượng cao, kháng sâu bệnh.

Bảy là, Tăng cường phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái: Trồng trọt - chăn nuôi, thủy sản - trồng trọt, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm trong chăn nuôi, thủy sản cung cấp hữu cơ cho trồng trọt. Khuyến khích các mô hình trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Bảo vệ, cải thiện độ phì đất đai, cải tạo nguồn nước sử dụng cho sản xuất NNHC theo hướng hàng hóa, phù hợp nhu cầu thị trường, đảm bảo mang lại giá trị cao cho người sản xuất nông nghiệp./.

Trần Văn Tuận -  TTKN Lâm Đồng