Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng

Lâm Đồng là địa phương được đánh giá đa dạng về chủng loại cây trồng, có quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lớn (tính đến tháng 10 năm 2019 đạt 56.403 ha) với nhiều công nghệ, thiết bị, giống mới được sử dụng... thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ.



Tuy nhiên, đến nay sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận tại Lâm Đồng mới chỉ được thực hiện trên sản xuất trồng trọt (phúc bồn tử, rau), chăn nuôi (bò sữa) với diện tích chiếm tỷ lệ rất thấp so với tiềm năng và chỉ đạt 105,24hacả sản xuất hữu cơ và bán hữu cơ(chiếm khoảng 0,187% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh).Một trong những mô hình điển hình sản xuất hữu cơ trong thời gian qua có thể kế đến là Công ty TNHH Univer Farm Organics.

Đến thăm trang trại sản xuất hữu cơ của Công ty TNHH Univer Farm Organicstại Đồi Bạch Đàn, thôn Châu Sơn, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương mới thấy những khó khăn trong sản xuất hữu cơ hiện nay. Trang trại được thành lập tới nay đã gần 05 năm, tuy nhiên tới 3/2018 vừa qua mới đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ do tổ chức Control Union chứng nhận theo tiêu chuẩn USDA. Trang trại được đầu tư bài bản, với diện tích 12 ha, trong đó mới có 3 ha nhà kính đang sản xuất hữu cơ nhưng đã đầu tư hết khoảng 30 tỷ đồng (trung bình 1 ha hết khoảng 10 tỷ). Sản phẩm đầu vào để sản xuất như giống, phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học đa số đều phải nhập từ Mỹ với giá thành khá cao, và khâu nhập khẩu trải qua nhiều thủ tục mất nhiều thời gian, do đó 1 năm công ty chỉ nhập 2 lần các sản phẩm như giống hữu cơ, phân gà Ý, phân vi sinh, tinh dầu hạt cải…

Anh Bùi Nhật Minh kỹ thuật trưởng của trang trại cho biết:“Sản xuất hữu cơ không hề đơn giản, đầu tiên là phải chọn vùng sản xuất phù hợp, các mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí tại vùng sản xuất đều được mang đi kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn mới được sản xuất hữu cơ. Giống sản xuất hữu cơ phải được chứng nhận giống hữu cơ, các vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chỉ được sử dụng các loại nằm trong Danh mục được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của tổ chức chứng nhận hữu cơ Control Union”.

Mặc dù khó khăn như vậy nhưng khi bước vào khu sản xuất, cảm nhận không khí trong khu sản xuất cực kỳ trong lành, hoàn toàn không mùi thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt còn có mùi thơm của các loài hoa trồng xung quanh khu vực sản xuất, một mương nước lớn chứa nước mưa trong vắt trải dài làm vùng đệm, tiếp đến là hệ thống nhà kính hiện đại ngăn cách tuyệt đối với vùng sản xuất bên ngoài. Bên trong nhà kính được trang bị đầy đủ hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, lưới cắt nắng, quạt làm mát. Đặc biệt, khâu cách ly được chú ý tuyệt đối trong sản xuất hữu cơ, muốn đi vào bên trong khu vực sản xuất phải qua 2 lớp cửa, có khu vực thay đồ, vệ sinh bên trong, tất cả khách tham quan được phát ủng và áo bảo hộ trước khi vào.Sản xuất hữu cơ không giống với sản xuất thông thường, các loại rau được trồng xen canh thành từng khu vực nhỏ, mỗi khu vực lại được cách ly bằng một lớp cửa riêng. Hiện Công ty sản xuất cả rau ăn lá, ăn quả và ăn củ, các loại rau không cùng ký chủ sẽ được luân canh thay thế, sau mỗi vụ sản xuất sẽ có khoảng thời gian nghỉ cho đất là khoảng 1 tuần để hạn chế sâu bệnh, chưa kể các sản phẩm hữu cơ thường được thu hoạch sớm, ví dụ rau ăn lá thay vì 30 ngày thì 28 ngày sẽ thu hoạch, rau ăn quả như đậu cove thì chỉ hái 1 lứa, hay các loại rau ăn quả cũng thu hoạch nhanh hơn các sản phẩm thông thường để tránh dịch hại phát sinh, do đó, năng suất thường thấp, năng suất rau ăn lá đạt khoảng 80%, rau ăn quả đạt khoảng 70%, rau ăn củ khoảng 50% so với sản xuất thông thường.Về hiệu quả kinh tế sản xuất hữu cơ không tính chi phí đầu tư ban đầu như nhà kính, cấp giấy chứng nhận thì các chi phí đầu vào sản xuất hữu cơ cao gấp 1,5 lần so với sản xuất GlobalGAP nhưng giá bán sản phẩm hữu cơ thì cao hơn khoảng 3 - 4 lần so với giá bán các sản phẩm sản xuất theo hướng an toàn khác.

Về thị trường tiêu thụ sản phẩm, chị Đào Vân Anh - Giám đốc Công ty cho biết hiện nay sản phẩm của trang trại được phân phối tại các Shop ở TP. Hồ Chí Minh và bán lẻ tới tận nhà cho khách đặt hàng lẻ. Hiện tại sản phẩm làm ra không đủ bán, khách hàng muốn sử dụng sản phẩm phải đặt hàng trước đó có khi lên tới 03 tháng mới có hàng. Với nhu cầu hiện nay sắp tới công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, đầu tư thêm 7ha nhà kính trên diện tích hiện có để cung ứng sản phẩm cho thị trường. Trong giai đoạn hiện nay, khi niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay, thật giả lẫn lộn thì sự tín nhiệm của khách hàng đối với sản phẩm của công ty thực sự là một động lực rất lớn giúp công ty tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng. Hiện tại, Công ty sẵn sàng đón tiếp khi bà con nông dân, sinh viên, hay khách tham quan muốn tìm hiểu về sản xuất hữu cơ để áp dụng vào thực tế sản xuất.

Thu Hằng - Nguyễn Thị Thùy