Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lưu ý khi phối trộn thức ăn cho gà

Việc phối trộn thức ăn như thế nào là đúng cách để đàn gà phát triển nhanh chóng, khỏe mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao luôn là vấn đề được quan tâm. Ðể đạt được điều này, khi phối trộn cần lưu ý đến lựa chọn đủ nhóm dinh dưỡng, công thức phối trộn, cho ăn…



Các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết

Các loại thức ăn cung cấp nguồn năng lượng lớn cho vật nuôi như các loại hạt, củ sắn, khoai, cám gạo, cám ngô… Nhóm thức ăn này chứa hàm lượng tinh bột cao là thành phần chủ yếu trong khẩu phần ăn của gà.

Tuy nhiên tỷ lệ tinh bột trong thức ăn cho gà phải được tính toán hợp lý, nếu quá ít thì vật nuôi không được cung cấp đủ năng lượng khiến còi cọc, chậm lớn. Nhưng ngược lại, nếu tỷ lệ trộn tinh bột dư thừa sẽ sinh ra mỡ dự trữ khiến gà bị mập, thịt gà bở ngấy.

Ðạm là chất cần thiết tham gia vào quá trình điều khiển trao đổi chất và sự sống của vật nuôi, đóng vai trò quan trọng trong sinh sản. Các nguyên liệu chứa nhiều đạm cho vật nuôi là đạm động vật trong bột cá, bột thịt, bột tôm tép, bột sữa… đạm thực vật có ở các loại đậu nành, đậu xanh, lạc… Không nên sử dụng quá nhiều đạm động vật sẽ khiến gà cho sản phẩm thịt kém thơm ngon. Tỷ lệ đạm chiếm 15 - 35% trong khẩu phần ăn của gà, cung cấp đủ axit amin duy trì sự tăng trưởng, sinh sản và đẻ trứng.

Chất khoáng có trong vỏ ốc, cua, sò, tôm, bột, vỏ trứng… có vai trò trong việc cấu tạo xương ở gà. Nhu cầu khoáng ở từng loại gia cầm là khác nhau tùy theo độ tuổi. Việc thừa thiếu khoáng chất cũng sẽ dẫn đến các tình trạng còi xương, kém ăn, chậm lớn và khả năng kháng bệnh suy giảm. Vì vậy khi phối trộn thức ăn cho gà cần cân đối tỷ lệ các chất khoáng như canxi, phốt pho, sắt, kali, kẽm, iot…

Theo nghiên cứu, vitamin đóng một vai trò quan trọng là chất xúc tác trong quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng như protein, glucid, lipid, khoáng…Việc thừa thiếu vitamin sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và sinh sản ở gà. Các vitamin này thường có nhiều trong rau, củ…

Nguyên tắc

Tiến hành xây dựng công thức phối trộn thức ăn cho gà cần phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản đã định để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể gà, giúp gà sinh trưởng và phát triển tốt, gồm:

- Thức ăn hỗn hợp cần đảm bảo sự đa dạng, có chất lượng tốt. Giá trị dinh dưỡng của thức ăn hỗn hợp phải đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của các loại gà ở các giai đoạn tuổi theo mục đích chăn nuôi.

- Phải có ít nhất 3 loại nguyên liệu thức ăn trở lên. Càng có nhiều loại nguyên liệu trong thành phần càng tốt, nên tận dụng tối đa nguyên liệu sẵn tại địa phương.

- Hỗn hợp thức ăn phải đảm bảo đủ nhu cầu về năng lượng và protein, có tỷ lệ cân đối giữa protein động vật và thực vật (thông thường tỷ lệ đó là 1/3).

- Bổ sung đủ các vitamin và khoáng vi lượng.

- Tỷ lệ dầu mỡ không được cao hơn mức giới hạn cho phép. Phải có chất chống ôxy hóa và chất phòng cầu trùng.

- Các nguyên liệu thức ăn phải có mùi vị thơm, ngon để gà ăn được dễ dàng.

- Nếu là thức ăn viên thì kích cỡ phải phù hợp với từng loại gà ở từng độ tuổi.

- Hỗn hợp thức ăn phải khô, độ ẩm nhỏ hơn 14%, cát sạn không quá 1%, không lẫn các kim loại nặng vào hỗn hợp thức ăn.

- Các nguyên liệu đem phối trộn phải đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mới, khô, không hấp hơi hoặc vón cục, không ôi, mốc và không có mùi lạ.

- Trước khi phối trộn các nguyên liệu thức ăn phải có kích cỡ thích hợp. Khối lượng nguyên liệu đem phối trộn phải phù hợp với nhu cầu sử dụng, tránh giảm chất lượng thức ăn do phải bảo quản lâu.

- Thức ăn trộn xong, cho vật nuôi ăn không quá 1 tuần.

- Thức ăn phối trộn phải được bảo quản tốt, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh bị mưa hắt, ẩm ướt hay nắng chiếu trực tiếp, phòng chống chuột cắn phá.

Công thức phối trộn

Ðối với gà con: Thành phần thức ăn gồm 30% bột bắp; 20% cám gạo; 14% tấm gạo; 14,5% bột cá; 10% bánh dầu; 10% mài đậu xanh; 1,5% bột xương, bột sò, muối bọt theo tỷ lệ 1:1:1.

Ðối với gà đẻ: Hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn cho gà đẻ tương đối giống với gà con, tuy nhiên lượng tinh bột và khoáng chất sẽ nhiều hơn bánh dầu 10%; Bột bắp 45%; Cám gạo 20%; Bột thịt 8%; Bánh dầu dừa 7%; Bột xương, bột sò, muối bọt theo tỷ lệ 1:4:1 chiếm 3%.

Ðối với gà thịt: Thức ăn gồm 50% bột bắp; 28% cám gạo; 5% bột cá; 10% bánh dầu; 5% bánh dầu dừa; 2% hỗn hợp bột xương, bột sò, muối bọt theo tỷ lệ 1:2:1.

Ðối với gà giò: Thức ăn bổ sung thêm 0,5% vôi chết; 40% bột bắp; 20% cám gạo; 10% tấm gạo; 5% bột cá; 5% bột thịt; 8% bánh dầu dừa; 10% bánh dầu; Bột xương và muối bọt tỷ lệ 2:1.

Sử dụng thức ăn

Khi cho gà ăn cần tuân thủ các nguyên tắc: Trước khi cho ăn phải kiểm tra đàn gà, thức ăn thừa trong máng, kiểm tra chất lượng thức ăn bằng cảm quan về màu sắc, mùi vị và nấm mốc. Gà ở lứa tuổi nào thì sử dụng loại thức ăn đó để phù hợp với sinh trưởng phát triển và hướng sản xuất của gà, không nên sử dụng một loại thức ăn cho nhiều lứa tuổi. Lượng thức ăn cho gà trong ngày phải dựa vào nhu cầu và mục đích chăn nuôi để đảm bảo tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng. Khi thay đổi thức ăn cần chuyển dần trong vài ngày, không nên chuyển đột ngột sẽ làm cho gà kém ăn và rối loạn tiêu hóa. Khi cho gà ăn, cần đảm bảo thức ăn được sử dụng đồng đều, tránh hiện tượng ăn không đồng đều, dẫn đến gà còi cọc, chậm lớn. Số lần cho ăn trong ngày phải phù hợp với từng lứa tuổi, giai đoạn nuôi, mục đích nuôi./.

TX (Theo tapchigiacam.vn)