Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Liên kết sản xuất cây giống Atiso từ hạt

Trong vài năm trở lại đây, giá cà phê bình quân thấp khoảng 6.000 đồng/kg quả tươi gây không ít khó khăn cho người trồng cà phê.



 Xuất phát từ thực tế đó, Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của ngành Nông nghiệp huyện tuyên truyền, vận động người dân thâm canh cà phê để tăng năng suất, chất lượng, diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp chuyển đổi sang trồng cây rau, hoa, các loại cây dược liệu như Atiso, Đương Quy… Tuy nhiên, hiện nay cây giống Atiso chủ yếu tách chồi từ cây mẹ nên tỷ lệ sống thấp, hệ số nhân thấp. Do đó nhu cầu của người dân được cung ứng giống tốt, sạch bệnh, chất lượng là rất cấp thiết.

Trong năm 2018, Uỷ ban nhân dân huyện Lạc Dương đã ký kết hợp tác với Công ty Ladophar Lâm Đồng để sản xuất và tiêu thụ Atiso cho người dân trên địa bàn huyện Lạc Dương (ưu tiên người đồng bào dân tộc thiểu số). Tháng 8 năm 2018, Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương đã ký hợp đồng với Công ty Ladophar Lâm Đồng sản xuất cây giống Atiso từ hạt: Green global Artichoke (Cynara scolyymus) do Công ty nhập từ Đức nhằm cung cấp cây giống Atiso cho bà con nông dân người đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu trồng và phát triển cây Atiso. Đến cuối tháng 12 năm 2018, Trung tâm đã xuất vườn khoảng 20 ngàn cây giống (trồng được khoảng 2 ha) cho 10 hộ dân tại xã Đa Sar, huyện Lạc Dương (Nhà nước hỗ trợ 70%, nông hộ đối ứng 30%), cây được ươm trong bầu đất nên tỷ lệ sống cao được người dân đánh giá cao và đến nay có nhiều hộ dân đến đăng ký để trồng. Để việc trồng cây Atiso đạt tỷ lệ sống cao, hiệu quả, sau khi cây xuất vườn Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Công ty Ladophar xuống từng đồng ruộng để hướng dẫn kỹ thuật trồng cho người dân.

Hiện nay cây Atiso đã trồng được 1 tháng tỷ lệ sống đạt 100%, cây phát triển nhanh. Đồng thời cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hướng dẫn cho người dân chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Theo kế hoạch của huyện, Công ty Ladophar trong năm 2019 sẽ phát triển thêm 10 ha Atiso tại 2 xã Đa Sar, Đa Nhim. Việc liên kết trồng cây Atiso nhằm mục đích mang lại nguồn thu nhập, có đầu ra ổn định cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hướng đi đúng đắn, tạo tâm lý yên tâm sản xuất cho người dân. Hướng đến năm 2025, huyện Lạc Dương là vùng sản xuất cây dược liệu trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng./.

Trần Thị Kim Thao - TTNN Lạc Dương