Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Liên kết chuỗi trong ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Liên kết theo chuỗi, ký kết hợp đồng tiêu thụ sẽ tránh được việc tranh mua, tranh bán giữa các công ty, khi thiếu nguyên liệu thì mua giá cao, khi thừa nguyên liệu thì bỏ bê, không thu mua. Thông qua thực hiện hợp đồng, nông dân nâng cao được ý thức trong sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ sở chế biến chủ động về nguyên liệu, nguyên liệu có chất lượng và ổn định.



            Tình hình liên kết theo chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

           Tình hình sản xuất liên kết theo chuỗi

             Bò sữa có 03 chuỗi, liên kết với 1.590 hộ dân và 4 doanh nghiệp, sản lượng 76.605 tấn, chiếm tỷ lệ 97%. Heo có 6 chuỗi, liên kết với 822 hộ, tổng đàn 269.098 con, sản lượng 24.219 tấn, chiếm tỷ lệ 30,64%. Gà: 02 chuỗi (01 chuỗi gà thịt; 01 chuỗi vừa gà thịt, vừa gà trứng). Gà thịt: 360.000 con/lứa, sản lượng 7.570 tấn, chiếm tỷ lệ 63,1%. Gà trứng: 102.200 con, sản lượng 28.616 ngàn qủa, chiếm tỷ lệ 12,1%.

            Thủy sản: Hình thành 01 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là Công ty TNHH Trường Toàn liên kết với 08 doanh nghiệp trên địa bàn thu mua khoảng 800 tấn cá tầm để tiêu thụ tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng chiếm 96%, còn lại là bán lẻ.

             Hình thức liên kết

            Chuỗi chăn nuôi bò sữa: Các hộ chăn nuôi bò sữa bán sữa tươi nguyên liệu thông qua hợp đồng cho trạm thu mua sữa, từ các trạm thu mua sữa sẽ được vận chuyển đến các nhà máy chế biến.

            Chuỗi chăn nuôi lợn, gà: có 02 hình thức liên kết là liên kết trực tiếp với công ty và liên kết hình thành tổ hợp tác. Các hộ chăn nuôi ký hợp đồng với các công ty trong đó: Các công ty đầu tư giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật, các hộ chăn nuôi đầu tư chuồng trại, công chăm sóc sau đó công ty thu mua sản phẩm; Các hộ chăn nuôi liên kết với nhau thành nhóm/tổ hợp tác, nhóm/tổ hợp tác tìm kiếm các đơn vị thu mua sản phẩm để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Các nhóm/tổ hợp tác áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP cho chăn nuôi.

           Chuỗi cá nước lạnh: Công ty chế biến, kinh doanh ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty nuôi cá.

           Hiệu quả của liên kết

Khi liên kết theo chuỗi, ký hợp đồng tiêu thụ giúp sản phẩm của người chăn nuôi có đầu ra ổn định (về giá cả, sản lượng) dẫn đến yên tâm sản xuất, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Liên kết thành lập nhóm/tổ hợp tác giúp nông dân trong nhóm/tổ hợp tác chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi giúp nhau chăn nuôi tốt hơn, tiết kiệm chi phí đầu vào do mua thức ăn, thuốc thú y với số lượng lớn nên giá thành giảm. Đồng thời, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP giúp kiểm soát, ngăn ngừa và hạn chế các mối nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

           Để hình thành được các chuỗi liên kết và hiệu quả của chuỗi liên kết mang lại cho ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là nhờ việc quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; Hệ thống khuyến nông viên, thú y viên cơ sở được đào tạo tập huấn về những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm tư vấn cho các chủ hộ chăn nuôi theo hướng an toàn đạt năng suất, chất lượng cao và chủ động phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

           Tuy nhiên, trong quá trình hình thành các chuỗi liên kết cũng còn gặp một số khó khăn như: Phần lớn các nông hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ, trình độ người chăn nuôi còn thấp, khó khăn trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tư duy chăn nuôi theo kiểu tự phát, không kết nối với đầu ra tiêu thụ sản phẩm dẫn đến có lúc cung vượt quá cầu, sản phẩm bán ra thị trường với giá thấp làm cho người chăn nuôi gặp khó khăn. Các nhóm hộ/tổ hợp tác đều đã áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP nông hộ nhưng sản phẩm của các tổ hợp tác vẫn được bán với giá thị trường, chưa có sự khác biệt giữa sản phẩm VietGAHP nông hộ và sản phẩm không VietGAHP nông hộ trong khi chi phí để các tổ hợp tác bỏ ra để sản xuất sản phẩm theo VietGAHP nông hộ lớn hơn nhiều so với chăn nuôi không áp dụng VietGAHP. Chưa có nhà máy chế biến các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các sản phẩm đều đưa về các tỉnh lân cận để chế biến dẫn đến làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận của người chăn nuôi.

Giải pháp trong thời gian tới

Triển khai thực hiện đồng bộ chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nông nghiệp. Tranh thủ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp, HTX hình thành chuỗi giá trị có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Giải pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, gắn kết nhà máy chế biến với vùng cung cấp nguyên liệu. Tạo mối quan hệ lợi ích, trách nhiệm hài hoà giữa doanh nghiệp và người sản xuất; Liên kết với các địa phương trong cả nước đặc biệt là các khu vực có nhu cầu lớn về sản phẩm chăn nuôi của tỉnh để phát triển thị trường tiêu thụ bên cạnh thị trường truyền thống phải đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới tiềm năng.

Giải pháp về quản lý chất lượng nông sản: Bên cạnh việc hình thành các liên kết, hình thành chuỗi tiêu thụ nông sản phải chú ý đến công tác quản lý chất lượng nông sản để tăng uy tín, sức cạnh tranh. Tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất các cơ sở cung ứng vật tư nông nghiệp, chuỗi sản xuất - tiêu thụ, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, trung tâm sau thu hoạch…; Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức truy xuất sản phẩm không an toàn nếu được phát hiện trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Giảỉ pháp về thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường: Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia đầu tư sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và với các tỉnh, thành phố khác; Chuyển từ tư duy sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo thị trường, xác định thị trường chiến lược cho từng ngành hàng và ký các cam kểt quốc gia để tạo cơ chế thuận lợi và hạn chế rủi ro. Hệ thống thông tin và dự báo, phân tích thị trường, tiêu chuẩn chất lượng đối với từng thị trường phải cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng chủng loại sản phẩm./.

Bùi Hằng - TTKN Lâm Đồng