Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Làm giàu từ con cá lóc bông

Nhờ mạnh dạn đầu tư làm kinh tế gia đình, chi Trần Thị Hòa cư ngụ tại ấp Gò Sầm, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã thành công và có thu nhập tiền tỷ từ nuôi cá lóc bông thương phẩm.



Từ năm 2010, tại ấp Gò Sầm, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, một vài hộ từ nuôi cá truyền thống đã chuyển sang đầu tư và nuôi thành công cá lóc bông một trong những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế và dần trở thành đối tượng cá nuôi chủ lực của vùng đất này.Tuy nhiên trong những năm gần đây do giá cả bấp bênh, nguồn thức ăn khan hiếm, việc đầu tư nuôi cá lóc bông không còn mặn mà với người nuôi. Một số gia đình thì treo ao, một số gia đình chuyển sang nuôi vịt kết hợp với thả lại cá truyền thống thì gia đình chị Trần Thị Hòa vẫn duy trì nuôi cá lóc bông một nghề làm kinh tế chính của gia đình .

Trên ao cá đang thu hoạch vừa được mùa vừa được giá Chị Hòa chia sẻ, gia đình có tất cả 4 ao nuôi, tổng diện tích khoảng 1,6 ha. Ao nuôi chị đang thu hoạch có diện tích mặt nước khoảng 3.500m2, chị thả 55.000 con cá giống, sau hơn tám tháng nuôi, kích thước khoảng 1,2kg đến 2kg, sản lượng khoảng 60 tấn cá thịt. Hiện giá bán tại ao cho thương lái là 60.000đ/kg.

Theo chị Hòa với 7 năm trong nghề thì việc nuôi cá lóc bông cũng có nhiều khó khăn. Từ việc đến tại tỉnh An Giang để chọn mua con giống; tìm nguồn thức ăn tươi tại các cảng biển trong tỉnh nhà, quản lý môi trường ao nuôi không để dịch bệnh xảy ra cho đến thị trường tiêu thụ. Vì thời gian nuôi cá dài (từ 8-10 tháng), vồn đầu tư cao, giá cả lên xuống thất thường nên rủi ro trong sản xuất không hề nhỏ.

Chị Hòa cho biết, để nuôi được sản lượng cá thịt từ 150-200 tấn/ha, thì ao nuôi có diện tích mặt nước tối thiểu từ 2000m2, độ sâu trung bình từ 3,5-4m. Ao trước khi thả giống được vệ sinh tẩy trùng kỹ. Con giống chọn mua đúng nguồn gốc, đảm bảo chất lượng từ Huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang. Nguồn thức ăn là cá tạp còn tươi đánh bắt từ biển. Từ khi thả nuôi đến dưới 2 tháng tuổi cho cá ăn thức ăn xay nhuyễn, mỗi ngày cho ăn 2 lần. Khi cá lớn dần thì cho ăn nguyên con, ngày cho ăn một lần. Định kỳ 5 ngày xi phong rút bớt chất cặn bã từ đáy ao.

Nhờ vị trí ao nuôi có nguồn nước sạch  được lấy từ đập Lồ Ồ nên việc cấp và thay cho ao nuôi cũng có thuận lợi và duy trì định kỳ, môi trường ao nuôi luôn được đảm bảo. Tuy nhiên cá lóc bông sử dụng thức ăn là cá tươi nên đôi khi cũng xảy ra một số bệnh như vi khuẩn, nấm  hoặc ký sinh trùng ký sinh trên mang cá. Để phòng bệnh, định kỳ chị dùng men vi sinh xử lý đáy ao và môi trường nước nuôi, sử dụng các loại men tiêu hóa, khoáng chất và VitaminC để phòng bệnh đường ruột và tăng sức đề kháng cho cá nuôi.

Là người phụ nữ mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm vượt qua khó khăn, chị rút ra được nhiều kinh nghiệm từ thực tế, học tập trao đổi với những người nuôi lân cạnh, tham gia các lớp tập huấn do trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, chị mạnh dạn duy trì đầu tư kinh phí cho việc nuôi cá lóc bông trên các ao của gia đình. “Với ao cá gia đình đang thu hoạch thì đầu tư cho con giống, vật tư và thức ăn không dưới 2 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận cũng đáng đồng tiền bỏ ra. Với sản lượng và giá bán cao như trên thì với ao này gia đình chị có lãi từ 0,8-1tỷ đồng”. Chị Hòa vui cười chia sẻ./.

Trọng Hoàng