Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng: Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh

Lâm Đồng là một tỉnh đi đầu của cả nước về nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, để phát triển ngành hàng nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thì việc phát triển nông nghiệp thông minh là mục tiêu mà Lâm Đồng đang hướng đến.



Lâm Đồng tập trung phát triển nông nghiệp thông minh với ba lĩnh vực là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản được áp dụng công nghệ thông minh trong vài năm gần đây ở Lâm Đồng, đã tạo ra những bước khởi đầu quan trọng làm tiền đề để nhân rộng trên nhiều đối tượng, vật nuôi khác trên địa bàn. 

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 54.500 ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm khoảng 18,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, bao gồm các diện tích nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, tưới tự động, thủy canh…

Trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp, trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây đã không ngừng phát triển, tạo sự lan tỏa với tốc độ nhanh làm thay đổi phương thức sản xuất, khai thác giá trị tổng hợp ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đa chức năng, cho doanh thu từ 5 - 8 tỷ đồng/ha/năm, nhưng quy mô sản xuất còn khiêm tốn.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 22 doanh nghiệp, trang trại ứng dụng giải pháp IoT, song chưa có doanh nghiệp sản xuất phần cứng phục vụ nông nghiệp thông minh. Các doanh nghiệp điển hình như: Công ty Dalat Hasfarm, Công ty Cổ phần Chè Cầu Đất Đà Lạt, Công ty TNHH Long Đỉnh, Công ty TNHH Trường Hoàng, Công ty TNHH trang trại Langbiang, Công ty Cổ phần Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Đà Lạt GAP, … điển hình là Cầu Đất Farm có quy mô lớn với diện tích khoảng 210 ha, kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng các giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng IoT trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ nông sản lớn nhất Việt Nam. 

Trong chăn nuôi, công nghệ điện tử chăm sóc vật nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… được chú trọng và đang chứng tỏ hiệu quả vượt trội khi gắn chip điện tử kết nối với computer và smartphone đối với từng con bò sữa trong tỉnh Lâm Đồng. Điển hình tại Trang trại Vinamilk Đà Lạt; Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt. Đây là các mô hình chăn nuôi quy mô tập trung, hàng ngày qua công nghệ chip điện tử, từng con bò sữa được theo dõi biểu đồ sức khỏe ăn uống, nghỉ ngơi, nghe nhạc, massage tự động… Trên heo, gà “công nghệ chuồng lạnh” đã và đang được thực hiện nhằm điều tiết và kiểm soát nhiệt độ theo thời điểm sinh trưởng của đàn heo, gà, đồng thời khử được mùi hôi, bảo vệ môi trường, nâng cao sản lượng và chất lượng thịt, trứng. 

Trong nông sản việc sơ chế, chế biến qua dây chuyền công nghệ thông minh, công nghệ tem điện tử truy xuất nguồn gốc đã thu hút gần 900 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng. Đặc biệt là việc thành lập Trung tâm sau thu hoạch tại Đức Trọng và định hướng mở thêm 02 Trung tâm sau thu hoạch nữa sẽ đáp ứng được nhu cầu sơ chế, chế biến rau, củ, quả tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt. 

Theo Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Lâm Đồng thì việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc nông sản Lâm Đồng đã tăng lợi nhuận từ 15-20% so với lúc chưa sử dụng. Qua đó, từng bước giúp nông dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác nhỏ, lẻ sang sản xuất liên kết tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, giải quyết tình trạng làm giả thương hiệu nông sản Lâm Đồng. Đặc biệt, đã kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Lâm Đồng đến hệ thống các siêu thị Co.opmart, Big C, Aeon, Lotte mart, Vinmar…

Như vậy, so với cả nước mức độ sẵn sàng cho nông nghiệp thông minh của Lâm Đồng là tương đối cao. Tuy nhiên để có bước chuyển từ nông nghiệp công nghệ cao sang nông nghiệp 4.0 lại là bài toán rất khó.

Một số giải pháp để phát triển nông nghiệp thông minh trong thời gian tới

Tăng cường hợp tác với các trường đại học, các Viện và các đối tác nước ngoài trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt đào tạo chuyên sâu khối ngành kỹ thuật về công nghệ thông tin; công nghệ tự động hóa, công nghệ cảm biến IoT, công nghệ nhà kính, nhà lưới đồng bộ, sử dụng màng phủ tản nhiệt; công nghệ xử lý môi trường đất, môi trường nước; công nghệ sinh học trong chọn tạo giống và canh tác; công nghệ thông tin quản lý lịch nông vụ và truy xuất nguồn gốc; công nghệ nano, công nghệ thủy canh, khí canh; công nghệ tưới nước tiết kiệm; công nghệ canh tác hữu cơ, công nghệ sau thu hoạch; kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, sử dụng thiết bị bay không người lái, công nghệ robot và công nghệ tài chính thông minh.

Đặt hàng nghiên cứu với các viện nghiên cứu, nghiên cứu phần mềm và phần cứng ứng dụng giải pháp IoT, tạo ra các công nghệ mới có tính ứng dụng cao phục vụ nông nghiệp thông minh 4.0. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực toàn diện cho các đối tượng trực tiếp tham gia nông nghiệp thông minh 4.0 bao gồm: nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp/hợp tác xã và nông dân để thực hiện đồng bộ nông nghiệp thông minh.

 Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05/NQ-TU về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020 và định hướng 2025; đồng thời UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ký quyết định số 740/QĐ-UBND ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, theo đó kèm theo các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nói chung, trong đó có khởi nghiệp nông nghiệp thông minh nói riêng, với mức hỗ trợ cho mỗi dự án 50% cho tư vấn dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực, sở hữu trí tuệ…; hỗ trợ 50% chi phí áp dụng khoa học công nghệ mới; hỗ trợ 3% lãi suất sau đầu tư (thời gian hỗ trợ tối đa 36 tháng kể từ khi các tổ chức tín dụng hoàn thành thủ tục vay); hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ khuyến công….

Ngoài ra, cách mạng công nghiệp 4.0 tại Lâm Đồng còn phải kể đến Đề án Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh mà tỉnh là 1 trong 3 địa phương trên cả nước được chọn thực hiện. Đến năm 2025, thành phố Đà Lạt cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại của Việt Nam. Qua đó sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.

Với những định hướng, chiến lược và các nội dung hoạt động cụ thể mà tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện, việc tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp là một hướng đi đúng đắn mở ra một tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Lâm Đồng trong quá trình tiếp cận cuộc cách mạng lần thứ 4./.

Văn Phương – TTKN Lâm Đồng