Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng: Phát triển chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bộ mặt nông thôn ngày được đổi mới, đời sống của người dân được cải thiện, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết, Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao… ngày phát triển. Đặc biệt, việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm đã và đang được các cấp ủy đảng, chính quyền hết sức quan tâm .



Xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân là cần thiết và quan trọng. Những năm qua, phương pháp và cách thức truyền thông đã được xây dựng phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là người dân; cơ quan thông tin, truyền thông đã xây dựng các phóng sự, chuyên trang, chuyên mục về xây dựng nông thôn mới; Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Lâm Đồng, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các sở, website Trung tâm Khuyến nông… thường xuyên đưa các tin, bài, mô hình tiêu biểu, cách làm hay trong các lĩnh vực về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, văn hóa, giáo dục, môi trường nông thôn,... Qua đó, góp phần huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai, thực hiện đã xuất hiện những mô hình hiệu quả, những cách làm hay, sáng tạo được lan tỏa mạnh mẽ sâu rộng.

Trong giai đoạn 2009 – 2019, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp. Đã phối hợp tổ chức 228 hội nghị tập huấn cho khoảng 18.250 lượt cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp. Trong đó, cấp tỉnh tổ chức 28 hội nghị tập huấn cho  hơn 4.700 lượt cán bộ là thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý cấp huyện, xã và cán bộ chủ chốt cấp thôn, Ban phát triển thôn, Ban giám sát cộng đồng và các đoàn thể ở các xã xây dựng nông thôn mới. Cấp huyện tổ chức 83 hội nghị cho 6.700 lượt cán bộ chủ chốt cấp thôn; thành viên Ban giám sát cộng đồng, ban phát triển thôn; các chức sắc tôn giáo, các hộ nông dân tiêu biểu, ...

             Đến hết tháng 12/2019, toàn tỉnh có 100/116 xã (chiếm 86,20%) đạt chuẩn NTM; có 10 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 06 xã đạt từ 13 - 14 tiêu chí, bình quân đạt 18,5 tiêu chí/xã. Dự kiến đến hết năm 2020 có 105/111 xã (chiếm 94,50%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt trên 18,8 tiêu chí/xã; trong đó, có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Đơn Dương và Đức Trọng), và 02 thành phố (Đà Lạt, Bảo Lộc) đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phấn đấu đến hết năm 2020 có ít nhất 06 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời xây dựng huyện Đơn Dương thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh; huyện Đức Trọng là huyện nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa. Tiếp tục nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững của Chương trình, tập trung thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, việc xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm, Lâm Đồng phấn đấu đến hết năm 2020 công nhận ít nhất 100 sản phẩm đạt chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 05 sản phẩm OCOP cấp Quốc gia. Phát triển mới 42 hợp tác xã, 15 Tổ hợp tác nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết sản phẩm mang tính chủ lực nhằm phát huy thế mạnh cạnh tranh của từng địa phương trong tỉnh. Đồng thời tiếp tục phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới mà trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục nghiên cứu, đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khuyến khích hình thành và phát triển mô hình kinh tế trang trại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã; thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn

Có thể nói việc thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới những năm qua kết hợp nhiều nguồn lực, nhiều chương trình đã làm cho bộ mặt nông thôn tỉnh Lâm Đồng có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, khoảng cách giàu – nghèo đang được thu hẹp. Song song đó, việc thực hiện phát triển mỗi xã một sản phẩm gắn phát triển nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao sẽ từng bước kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa, nhiều mô hình nông nghiệp đô thị được phát triển..., góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh./.

Văn Phương - Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng