Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng: Mở rộng diện tích nông nghiệp thông minh và thúc đẩy sản xuất sau dịch Covid - 19



Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên, khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông lớn; tổng diện tích tự nhiên 978.334 ha; trong đó: đất sản xuất nông nghiệp 367.707 ha; đất lâm nghiệp 539.570 ha, đất nuôi trồng thủy sản 1.884 hạ. Toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (10 huyện, 02 thành phố; dân số 1,296 triệu người, trong đó, có 209.963 hộ dân nông thôn, dân số 788,2 ngàn người, tương ứng với 60,82% dân số toàn tỉnh; sản xuất nông nghiệp tốc độ tăng trường đạt 5,3%, chiếm tỷ trọng 44,4% cơ cấu kinh tế; giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích đạt 178 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 66,7 triệu đồng/năm.

Nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại phù hợp với lợi thế từng vùng, từng loại sản phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng trên thị trường trong và ngoài nước thông qua việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dụng và quảng bá thương hiệu nông sản. Ngày 18/5 UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 854/QĐ-UBND  Phê duyệt Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2020. Theo đó mục tiêu hết năm 2020 phát triển 60.220 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ, 350 ha nông nghiệp thông minh đạt; công nhận thêm ít nhất 05 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thêm 05 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 440 triệu đồng /ha, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích toàn tỉnh đạt trên 185 triệu đồng/ha.

Các nội dung thực hiện tập trung vào: ứng dụng công nghệ cao trong ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; Hoạt động triền khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… với tổng kinh phí thực hiện là 6.840 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước 4.050 triệu đồng. với mức hỗ trợ 100% cho các hoạt động xây dựng hệ thống giám sát, trạm cảm biến, chứng nhận vùng nông nghiệp … và hỗ trợ 40% cho hoạt động xây dựng các mô hình…

Bên canh cạnh đó, UBND tỉnh xác định ngành nông nghiệp trong thời gian tới được tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời phấn đấu đến hết năm 2020 đạt:

Lĩnh vực trồng trọt: Hoạt động sản xuất nông nghiệp dự kiến sẽ trở lại bình thường và đạt kế hoạch đề ra; dự kiến diện tích, sản lượng một số cây trồng chính như: Cây rau, hoa: diện tích gieo trồng rau 68.255 ha, sản lượng 2,5 triệu tấn; hoa 9.375 ha, sản lượng 3,68 tỷ cành đạt 100% kế hoạch; Cây cà phê: duy tri diện tích hiện có 174.390 ha, năng suất đạt 34,4 tạ/ha, sản lượng ước đạt 565,8 ngàn tấn đạt 100% kế hoạch; Cây chè: duy trì ổn định diện tích chè hiện có khoảng 12.400 ha, năng suất 151,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 188 ngàn tấn, đạt 100 % kế hoạch.

Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản: Tiếp tục ổn định, đàn lợn sẽ khôi phục, phát triển mạnh theo hướng an toàn sinh học và giảm các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; dự kiến đàn lợn sẽ đạt 416.500 con, sàn lượng 86,5 ngàn tấn; 92.000 con bò thịt, sản lượng 6,8 ngàn tấn, 8,2 triệu gia cầm sản lượng 19,2 ngàn tấn.

Lĩnh vực Lâm nghiệp: trồng mới 400 ha rừng; thực hiện khoán quản bảo vệ rừng với diện tích 455.640 ha chăm sóc, bảo vệ khoảng 1.210 ha diện tích rừng trồng; tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp, chương trình, dự án về quản lý bảo vệ rừng đảm bảo chặt chẽ, duy trì và nâng cao chất lượng rừng; chủ động thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, độ che phủ rừng đạt 55% trở lên./.

Văn Phương - Chi cục PTNT Lâm Đồng