Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng: Kết quả hoạt động công tác khuyến nông năm 2019

Trong không khí chào đón Xuân Canh Tý, và ra sức thi đua chào mừng Đại hội Đảng các cấp. Tập thể viên chức Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao.



Trong năm 2019, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Sở, sự giúp đỡ đầu tư có hiệu quả của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sự phối hợp tốt với các đơn vị trong ngành và các đơn vị cấp huyện như: Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên,... qua đó phát huy được sức mạnh tổng hợp đã mang lại cho người nông dân từ cơ chế chính sách đến các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, đầu tư kinh phí hỗ trợ giúp nông dân và đồng hành cùng nông dân sản xuất góp phần vào kết quả chung của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Công tác xây dựng mô hình khuyến nông: Từ nguồn kinh phí địa phương đã xây dựng và triển khai 26 điểm trình diễn điển hình thuộc các mô hình: Trồng ớt chuông trong nhà kính theo hướng VietGAP cho vùng đồng bào dân tộc xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông đã cho hiệu quả kinh tế với lợi nhuận mô hình đạt cao nhất là 76 triệu đồng. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là thông qua mô hình đã làm thay đổi tư duy và nhận thức cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu sốchưa có kinh nghiệm trong sản xuất cây rau trong nhà kính cũng như đầu ra cho sản phẩm; Mô hình trồng cây sầu riêng trên đất trồng điều kết hợp sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho cây sầu riêng. Bước đầu mô hình cho thấy khả năng sinh trưởng và phát triển của cây tương đối nhanh với tỷ lệ sống đạt trên 80%. Việc ứng dụng hệ thống tưới áp dụng vào canh tác giúp người dân giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nhân công; Mô hình ứng dụng các chế phẩm sinh học giảm thiểu thuốc hóa học trong quản lý sâu bệnh hại chè đã giúp nông dân có kiến thức sâu hơn về sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn sinh học. Kết quả mô hình mô hình cao hơn vườn sản xuất đại trà là 37.000.000 đồng/năm; Mô hình trồng cây đương quy xen cây cà phê giúp các nông hộ tận dụng tối đa diện tích đất nhàn rỗi để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Đặc biệt trong thời gian hiện nay giá cà phê lên xuống thất thường việc trồng xen đương quy trong vườn cà phê giúp nông hộ có thêm thu nhập lấy ngắn nuôi dài…

Các mô hình đã cho thấy sự nhận định đúng hướng trong công tác đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường đặc biệt là nhận thức thay đổi trong canh tác của người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác thông tin, tuyên truyền: Tuyên truyền là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung và công tác khuyến nông nói riêng. Trong điều kiện bùng nổ thông tin, vai trò của công tác tuyên truyền càng trở nên quan trọng trong việc định hướng thông tin cho người làm công tác khuyến nông tại cơ sở và người nông dân tiếp nhận chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp. Hoạt động thông tin tuyên truyền đã bám sát mùa vụ và thực tiễn sản xuất của từng địa phương, chuyển tải nhanh chóng những thông tin định hướng sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con nông dân, cán bộ cơ sở ứng phó kịp thời với các diễn biến bất lợi của thời tiết và dịch bệnh. Đồng thời xuất bản Bản tin Khuyến nông Lâm Đồng 06 số với 2.400 cuốn; duy trì hoạt động trang Website Khuyến nông Lâm Đồng, đăng nhập gần 400 tin, bài và có trên 200.000 lượt người truy cập. Các tin, bài đăng bản tin và trang Website của đơn vị đã chuyển tải các nội dung về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn; các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nông nghiệp, thông tin hoạt động khuyến nông, các điển hình nông dân sản xuất giỏi, các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả; thông tin giá cả thị trường…

Về đào tạo, tập huấn, hội thảo, học tập ngoài tỉnh: Xây dựng và triển khai 02 lớp tập huấn kỹ thuật cho hội viên Hội nông dân, 02 lớp tập huấn kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên, 05 lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân vùng đồng bào dân tộc, 04 lớp tập huấn sản xuất hữu cơ cho nông dân với 530 lượt người tham dự; tổ chức 01 chuyến tham quan học tập ngoài tỉnh cho viên chức của Trung tâm nhằm tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới của tỉnh bạn; tổ chức 05 cuộc hội thảo tư vấn kỹ thuật cho gần 500 nông dân về Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn; Giải pháp tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê và cây ăn trái; Phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, bảo quản sau thu hoạch cho cây mắc ca gắn với tiêu thụ sản phẩm; Giải pháp kỹ thuật xen canh 1 số cây dược liệu trên các cây trồng chủ lực tại TP. Đà Lạt. Bên cạnh đó tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ gắn với mô hình trình diễn giúp bà con nông dân tiếp cận nhanh hơn các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.

Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án VnSAT: Thực hiện 40 điểm mô hình sản xuất cà phê bền trên địa bàn 5 huyện với tổng diện tích 28,7 ha. Năng suất dự kiến bình quân đạt 4,5 tấn/ha. Bên cạnh đó tổ chức tập huấn FFS về sản xuất cà phê bền vững cho bà con nông dân sản xuất cà phê trong vùng dự án triển khai tính đến hết năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức được 330 lớp cho 11.440 lượt người tham dự về các tiêu chí trong sản xuất cà phê bền vững cũng như quy trình chăm sóc cà phê; 01 lớp tập huấn chiến lược truyền thông cho 27 học viên là cán bộ hỗ trợ dự án tại các xã thuộc các vùng dự án.

Về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Với mục tiêu năm 2019 tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 89%, người dân được sử dụng nước sạch theo QC02/BYT là 26%. Trung tâm đã triển khai đồng bộ công tác thu thập và phân tích mẫu nước sinh hoạt tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, cập nhật bộ chỉ số nước sạch, theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn. Kết quả năm 2019, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 89,1% (đạt 101,12% KH), người dân được sử dụng nước sạch theo QC02/BYT đạt 26% (đạt 100% KH).

Duy trì hoạt động của lực lượng khuyến nông cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng: Tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát, đánh giá năng lực hoạt động của lực lượng khuyến nông viên cơ sở để đề ra giải pháp quản lý, sử hiệu quả nhất trong thời gian tới. Thực hiện công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng khuyến nông cơ sở 06 lớp cho 197 lượt học viên tham gia.

Hoạt động thông tin giá nông sản và vật tư nông nghiệp: Thông tin giá cả thị trường về một số mặt hàng nông sản chủ lực và vật tư nông nghiệp thiết yếu được đơn vị tổng hợp và báo cáo hàng tuần, định kỳ, đột xuất gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kịp thời để phục vụ thông tin cho công tác quản lý, đồng thời đăng tải lên Website của đơn vị.

Bên cạnh đó,Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng công tác phối hợp, hợp tác với các đơn vị cấp trên, các doanh nghiệp, cụ thể: Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức các sự kiện Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp; Hội nghị giao ban khuyến nông 32 tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên; thực hiện các lớp tập huấn, khảo sát học tập từ nguồn kinh phí Trung ương; Tham gia thực hiện các đề tài nhánh với các đơn vị chuyên môn như Dự án sản xuất khoai tây năng suất, chất lượng cao liên kết với nhà máy chế biến tiêu thụ sản phẩm tại vùng Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Hồng; Dự án xây dựng và phát triển mô hình trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên; Trồng thâm canh cây mắc ca năm 1, năm 2; Hướng dẫn các tỉnh bạn trong tham quan học tập các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện các mô hình trình diễn phân bón, tổ chức tập huấn, hội thảo… nhằm huy động các nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông.

Nhìn chung công tác khuyến nông năm 2019 cơ bản hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao. Các chương trình, kế hoạch chuyên môn được xây dựng phù hợp, bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của ngành, của tỉnh. Có thể khẳng định công tác khuyến nông tỉnh Lâm Đồng nói chung và của từng huyện, thành phố nói riêng đã và đang là người đồng hành, địa điểm tin cậy của người dân, là cầu nối giữa nông dân với nhà khoa học, Nhà nước và nhà doanh nghiệp giúp người dân nâng cao nhận thức, tiếp cận nhanh tiến bộ khoa học vào sản giúp tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, giúp giảm nghèo, tăng thu nhập qua đó góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 Văn Phương - TTKN Lâm Đồng