Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng: Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2024

Để danh mục các dự án có tính đột phá, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020-2025, tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra khỏi danh mục và điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2024, cụ thể:



Đưa ra khỏi danh mục 3 dự án, gồm: Nhà máy chế biến cà phê nhân chất lượng cao và bảo quản nông sản tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm. Nhà máy chế biến chè tại xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt. Nhà máy chế biến sữa bò tại huyện Đơn Dương.

Điều chỉnh: Dự án nhập nội, lai tạo các giống hoa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, qui mô 250 triệu cành. Dự án xây dựng nhà máy xử lý sau thu hoạch rau, quả tại huyện Đơn Dương và tại xã Tà Hin, huyện Đức Trọng.

Bổ sung các dự án chiến lược:

+ Đối với lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh: Dự án sản xuất giống hoa bằng công nghệ nuôi cấy đỉnh sinh trưởng tại thành phố Đà Lạt. Dự án nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại huyện Đạ Tẻh hoặc huyện Cát Tiên; dự án nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại huyện Di Linh. Dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ: rau hữu cơ tại huyện Đơn Dương (khoảng 100 ha); chè hữu cơ tại huyện Bảo Lâm (khoảng 200 ha); cà phê Arabica hữu cơ tại huyện Lạc Dương; cà phê Robusta hữu cơ tại huyện Lâm Hà và cây ăn quả hữu cơ tại huyện Đạ Huoai.

+ Lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản: Dự án nhà máy chế biến trái cây (bơ, sầu riêng...) và dự án nhà máy chế biến sữa bò tại thành phố Bảo Lộc. Dự án trồng và chế biến dược liệu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Lạc Dương.

+ Lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phế phẩm nông nghiệp: Dự án xứ lý chất thải trong nông nghiệp tại huyện Đơn Dương hoặc Đức Trọng.

Danh mục các dự án cần bổ sung, làm rõ về địa điểm thực hiện (đến cấp xã, phường), quy mô, diện tích, công suất; quỹ đất thực hiện dự án (nhà nước cho thuê hoặc nhà đầu tư tự thỏa thuận quỹ đất, liên kết thực hiện dự án,..,); bổ sung tính cần thiết, yêu cầu của dự án (vốn, công nghệ, số lượng, quy mô, quản trị...); chính sách thực hiện,...

Việc đưa ra khỏi danh mục và điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án sẽ giúp cho các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh hoạch định, tận dụng mọi nguồn lực để khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư nhằm thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và xây dựng thành công chương trình nông thôn mới tại các địa phương./.

Văn Thọ