Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lạc Dương: Phát triển mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác để thúc đẩy nông nghiệp phát triển

Những năm qua, việc thành lập các các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trên địa bàn huyện Lạc Dương đã phát huy tốt vai trò trong việc tập hợp nông dân, tìm kiếm đầu ra cho nông sản, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.



Mô hình tổ hợp tác sản xuất Atiso với Công ty Vĩnh Tiến và Công ty Ladophar Lâm Đồng đang triển khai tại xã Đạ Sar và Đạ Nhim với 17 hộ tham gia trên diện tích 6 ha cũng được đánh giá cao. Tham gia tổ hợp tác, bà con được các doanh nghiệp hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, bán cây giống và thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con. Theo ngành chuyên môn, nếu chăm sóc tốt 1ha Atiso có thể cho thu hoạch khoảng 7 tấn lá khô trong một năm với giá bán 50.000 đồng/kg, thân khô cho thu khoảng 2 tấn trong một năm với giá bán 120 nghìn đồng/kg; rễ khô cho thu hoạch 2 tấn/năm với giá bán 140 nghìn đồng/kg… Với năng suất và giá thu mua này, doanh thu bình quân 1ha Atiso trong một năm khoảng 985 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận người dân thu được 522 triệu  đồng, so với trồng cà phê cao hơn từ 4 đến 5 lần.

Đến nay, trên địa bàn các xã của huyện Lạc Dương đã có có 10 Hợp tác xã và 35 Tổ hợp tác đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các Hợp tác xã và Tổ hợp tác xã thời gian qua hoạt động khá hiệu quả, tạo được mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và thúc đẩy thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Việc thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác nông nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khắc phục những hạn chế của hình thức sản xuất nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ không ổn định; giúp các thành viên tham gia Hợp tác xã, Tổ hợp tác và người dân được tập huấn chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương thức sản xuất tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, có thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất canh tác, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các Tổ hợp tác và Hợp tác xã trên địa bàn huyện Lạc Dương thời gian qua, còn có vai trò quan trọng trong việc định hướng hỗ trợ, cung ứng cho các thành viên và người dân về vật tư nông nghiệp, giống và vận chuyển, bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lạc Dương: “Thời gian qua, kinh tế tập thể tiếp tục được phát triển trên địa bàn huyện. Các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trên địa bàn huyện được thành lập và đã được chuyển đổi theo quy định Luật Hợp tác xã năm 2012, một số Hợp tác xã đã có sản phẩm chất lượng có sức cạnh tranh trên thị trường. Riêng các Tổ hợp tác đang là mô hình để triển khai hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm của nông dân địa phương với các doanh nghiệp”.

Với việc hình thành các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất, sản xuất nông nghiệp của huyện Lạc Dương, những năm gần đây đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện. Giá sản xuất bình quân 250 triệu đồng/ha canh tác. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương đã có 105 hộ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi 27,3 ha diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp và các loại cây trồng khác kém hiệu quả sang sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất, chất lượng cao và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã làm cho giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác ngày càng cao, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện doanh thu sản xuất rau, hoa ngoài trời đạt khoảng 200 đến 300 triệu đồng/1 ha, cao hơn so với sản xuất cà phê từ 2 đến 3 lần. Đây là một trong những chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương.

Việc hình thành các Hợp tác xã và Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp tại huyện Lạc Dương không chỉ đóng vai trò tập hợp, vận động mà còn thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Để duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt trên 17%/năm, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 42 đến 45% trong cơ cấu kinh tế, một trong những giải pháp mà huyện Lạc Dương đưa ra đó là, phát triển mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác gắn liền với xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục vận dụng có hiệu quả các cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển Hợp tác xã kiểu mới đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động các hộ nông dân mở rộng liên kết giữa người nông dân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác với các doanh nghiệp trong cung cấp giống, quy trình sản xuất và thu mua sản phẩm đảm bảo người dân có lãi, tạo động lực khuyến khích tái đầu tư, tăng thu nhập. Phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn huyện có 10 Hợp tác xã, 40 Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; chú trọng phát triển và mở rộng mô hình kinh tế trang trại, phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn huyện có 20 trang trại hoạt động có hiệu quả.

Phạm Phương - Đài TT-TH Lạc Dương