Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái sinh sản

1. Đối với bò có chửa và bê sơ sinh * Chăm sóc bò có chửa: Thời gian bò cái mang thai cần được ăn uống đầy đủ, tránh cày kéo nặng, đặc biệt là ở tháng chửa cuối cùng. Mỗi ngày nên ăn khoảng 30–35 kg cỏ tươi, 2 kg rơm ủ, 1kg thức ăn tinh (như ngô, cám…), 25 - 30gr bột xương. Không bắt bò làm những công việc nặng như: cày bừa, kéo xe,… không xua đuổi mạnh đối với bò đang mang thai tháng thứ 3, tháng thứ 7, tháng thứ 8 và thứ 9.



* Đỡ đẻ cho bò:

Với những trường hợp bò đẻ bình thường (thai thuận) thì bà con không cần can thiệp hoặc chỉ cần hỗ trợ cho bò cái bằng cách dùng tay kéo nhẹ thai ra. Cắt dây rốn dài khoảng 8 - 10cm dùng cồn I ốt 5% sát trùng.

 Vệ sinh sạch sẽ cho bò mẹ và bê con, dùng khăn hay tấm vải mềm lau rớt rãi trong mũi, miệng của bê con hoặc để bò mẹ tự liếm bê con. Nên bóc móng để bê con đỡ bị trơn trượt khi mới bắt đầu tập đi. Vệ sinh sạch phần thân sau và bầu vú của bò mẹ, bổ sung thêm nước uống có pha thêm ít muối cho bò, có thể cho ăn thêm cám và nước ấm. Đối với những trường hợp bò khó đẻ cần phải gọi cán bộ thú y để được hỗ trợ và can thiệp kịp thời.

  1. Chăm sóc, nuôi dưỡng bò đẻ và bê con

* Đối với bò mẹ:

Trong khoảng 15 - 20 ngày sau khi sinh cần cho bò ăn cháo (1- 1,5kg thức ăn tinh/con/ngày), khoảng 25 - 30g muối ăn, 30 - 40g bột xương và cho ăn đầy đủ cỏ xanh và nước uống đầy đủ.

 Vào những ngày tiếp theo, trong suốt khoảng thời gian nuôi con, một ngày cần phải cung cấp cho bò mẹ ăn khoảng 30 - 40kg cỏ tươi, 2 - 3kg rơm ủ, 1 - 2kg cám hoặc có thể dùng thức ăn hỗn hợp để bò mẹ hồi phục sức khỏe, nhanh động dục lần tiếp theo để phối giống.

Lưu ý: Đối với bò cái nuôi con ngoài khẩu phần trên, cần cho thêm các thức ăn củ quả tươi và thức ăn tinh để bò cái tăng khả năng tiết sữa nuôi con.

* Đối với bê con:

Thời gian trong vòng 30 ngày tuổi bê được nuôi tại nhà, cạnh bò mẹ, luôn giữ ấm cho bê, tránh gió lùa, mưa tạt, chỗ nằm của bê luôn khô ráo, sạch sẽ.

 Trên 1 tháng tuổi: Bê được chăn thả theo bò mẹ ở những bãi cỏ gần chuồng, tập cho bê ăn sớm các loại thức ăn thô xanh, thức ăn tinh, cai sữa cho bê vào tháng thứ 6.
          Từ 3 - 6 tháng tuổi: mỗi ngày cho ăn khoảng 5 - 10kg cỏ tươi và 0,2kg thức ăn tinh hỗn hợp.

 Từ 6 - 24 tháng tuổi, thực hiện chăn thả là chính, mỗi ngày cho bê ăn thêm khoảng 10 - 20kg cỏ tươi, ngọn mía, cây ngô non. Vào thời điểm thiếu cỏ có thể cho ăn thêm 2 - 4kg cỏ khô một ngày. Trường hợp nuôi chuồng phải thường xuyên cho bò, bê ra sân vận động từ 2 - 4 giờ/ngày.

- Để có bò thịt đạt khối lượng cuối cùng khi giết thịt từ 250 - 300kg lúc 24 tháng tuổi cần nuôi vỗ béo bò trong khoảng 80 - 90 ngày trước khi bán bằng thức ăn tinh 1 kg/con/ ngày.

  1. Kỹ thuật phát hiện bò động dục và phối giống

Khi phát hiện bò cái động dục, cần chú ý quan sát các triệu chứng hoặc hiện tượng sau:

- Bò hay đi lại, ăn ít, hay kêu rống, có xu thế tìm gặp con khác (tìm đực), có con muốn tách khỏi đàn.

- Bò cái tỏ ra thân thiện theo đuổi nhau, hay tụ lại thành nhóm, húc liếm vờn nhau, tỏ ra thích nhau, nhảy chồm lên lưng nhau.

- Bò cái dễ bị kích thích, không ở yên, hay đi lại, có xu hướng đến gần người và người dễ đến gần; mắt tinh và sáng hơn thường lệ; bò tỏ ra bồn chồn ngơ ngác.

- Nếu là bò vắt sữa thì lượng sữa trong ngày động dục sẽ giảm chút ít so với các ngày liền kề trước đó.

- Phần lông ở mông, lưng có để lại các dấu vết do bò cái bị các con khác nhảy lên hay bị con khác liếm.

- Âm hộ sưng, căng phồng, hơi ướt bóng, các lông xung quanh âm hộ cách xa nhau và dựng đứng lên so với các ngày thường.

- Niêm dịch chảy ra dính xung quanh âm hộ, loãng, trong suốt hay đục keo dính, đứt đoạn; nhiều khi dính xung quanh âm hộ, khấu đuôi, mông, tùy theo pha động dục. Niêm dịch là dấu hiệu thường được dùng để xác định chính xác giai đoạn động dục đang ở pha nào để xác định thời điểm phối giống tốt nhất.

- Chịu nhảy là hiện tượng mà bò cái khi con khác nhảy lên lưng thì đứng lại. Đây là dấu hiệu dễ nhận biết và để xác định thời điểm phối giống thích hợp nhất. Cần nhớ rằng con đứng dưới mới là con động dục, còn con nhảy chồm lên thì có thể là con sắp động dục hoặc đã qua pha động dục.

- Có trường hợp về cuối kỳ động dục, thấy có máu chảy ra. Dấu hiệu này cho biết là bò vừa động dục trước đấy vài ba ngày, cần phải để ý phát hiện động dục bò cái đó sau 15 - 18 ngày.

* Phát hiện động dục bằng quan sát hàng ngày:

Hiện nay, tuy có nhiều dụng cụ để hỗ trợ cho việc phát hiện động dục ở bò cái, nhưng chưa có dụng cụ nào thay thế được việc quan sát bằng mắt hàng ngày của chính người chủ nuôi bò.

Việc phát hiện động dục cần phải tiến hành ít nhất 4 lần trong 1 ngày (sáng sớm - buổi trưa - chiều tối - đêm). Tùy theo số lượng cái trong đàn mà phát hiện hàng ngày hay phát hiện theo chu kỳ động dục. Để phát hiện động dục dễ dàng, không bỏ sót bò cái động dục, không tốn công, nên đeo số cho bò và tổ chức phân đàn bò cái như sau, nhất là khi có nhiều bò cái:

- Đàn bò đã có chửa: Đã được khám thai xác định để nuôi riêng, không phải phát hiện động dục.

- Đàn bò bị bệnh sinh sản: Để điều trị riêng và tránh lây nhiễm sang con khỏe.

- Đàn bò chưa có chửa: Để theo dõi riêng biệt hoặc có thể sử dụng đực thí tình để phát hiện động dục; cần tổ chức phát hiện động dục riêng.

Chú ý cần tạo cơ hội tốt cho bò cái thể hiện các hiện tượng động dục như cho bò ăn uống đủ no, che nắng, che mưa, che rét, tránh vật lạ; cho tiếp xúc với bò cái khác. Bò cái cột buộc phải được thả ra để bò có cơ hội tiếp xúc con khác và thể hiện các hiện tượng động dục tự nhiên, dễ nhận biết.

Khi phát hiện được bò cái động dục, cần phải xem số hiệu, đánh dấu đưa về nơi phối giống; xác định rõ ràng hiện tượng động dục và bò cái đang động dục ở pha nào, đồng thời báo ngay cho người phối giống biết càng sớm càng tốt.

* Cách xác định thời điểm phối giống thích hợp nhất:

Trong thực tế, thời điểm phối giống thích hợp nhất là từ nửa sau của pha chịu nhảy cho đến sau pha chịu nhảy 6 tiếng đồng hồ (trước thời điểm rụng trứng 6 - 12 tiếng) như sơ đồ sau:

Việc áp dụng nguyên tắc “Sáng - chiều hay chiều - sáng hôm sau” chỉ sử dụng được khi phát hiện được bò cái động dục ở pha trước động dục hay lúc bò cái chưa chịu nhảy, niêm dịch còn rất trong và loãng. Vì thế phải chú ý phát hiện được bò cái động dục ở ngay pha đầu (pha trước động dục) thì phối giống mới có chửa./.

Vương Thị Chung - Trạm KN Thạch Thất