Nuôi dê sinh lợi do ngoài việc có giá cao ổn định ra, bà con còn có thể tận dụng được nguồn thức ăn từ cỏ trồng, cỏ tạp trong vườn, chuối cây, rau cải loại ở chợ, cùi bắp, bả đậu, hèm bia,... Tuy nhiên để đàn dê phát triển và sinh sản tốt, trong mùa này bà con cần chú ý một số vấn đề như sau:
Dê rất dễ bị bệnh đường hô hấp, khi bị dị ứng do bụi hoặc hóa chất, thuốc trừ sâu trong thức ăn nhất là trong trường hợp chăn thả bãi cỏ tự nhiên hoặc cắt cỏ ở những nơi không tự trồng,... Ngoài ra dê cũng nhạy cảm với bệnh tụ huyết trùng. Khi bị bệnh dê biểu hiện bị nhảy mũi, ho, có thể sốt, bỏ ăn. Bệnh tụ huyết trùng có thể gây chết rất nhanh. Để phòng bệnh bà con nên tiêm vắc-xin Tụ huyết trùng cho dê lúc 2 tháng rưởi tuổi, mỗi 6 tháng lập lại một liều. Để điều trị bệnh hô hấp, bà con dùng Tulavitryl 1ml/ 40 kg thể trọng, 1 liều duy nhất. Có thể tiêm thêm Ceptiket 1ml/ 10 kg thể trọng để khống chế các bệnh kế phát.
Cũng như bò và heo bệnh lở mồm long móng trên dê cũng là vấn đề cần quan tâm; Khi bị nhiễm, bệnh lây lan rất nhanh trong đàn, có thể nhiễm kế phát một số bệnh khác như E.coli, viêm hô hấp, viêm đường tiêu hóa, tiêu chảy,... Bà con nên bố trí tiêm phòng cho dê lúc 2,5 tháng tuổi, lập lại liều 2 sau 1 tháng, 6 tháng tái chủng; Với dê nái nên tiêm phòng trước khi phối giống.
Dê nuôi chuồng hoặc dê thả rong đều có thể bị bệnh chân móng như dày sừng, nứt móng, viêm móng, ... Bà con nên quan sát thường xuyên để chăm sóc móng cho dê như: cắt móng, hoặc bổ sung Biotin H-A-D để chân, móng dê không bị nứt nẻ, viêm, đau, ... vì những vấn đề này có thể làm dê đau, bỏ ăn, nằm, không đi lại,... có thể ảnh hưởng tiêu hóa, nhất là dê đang mang thai.
Dê mang thai 5 tháng thì đẻ. Khi dê nái đẻ, nếu giống dê sữa sẽ cho nhiều sữa, giống dê thịt ít sữa hơn. Tuy nhiên, nếu khai thác sữa ở dê sữa hoặc dê thịt đẻ nhiều con thì sữa không đủ cho dê con bú, dê con có thể chậm lớn, còi cọc; dê mẹ ốm, giảm điểm thể trạng, sẽ không có sức lên giống lại sau khi tách con, sức sản xuất sẽ giảm. Từ đó nên:
+ Bổ sung chất dinh dưỡng để dê mẹ có đủ nguyên liệu tạo sữa tốt hơn như: cho ăn đầy đủ, thức ăn có chất lượng tốt, đủ nước, ... Bổ sung Calci, các loại vitamin bằng cách tiêm Vimekat hoặc Vime-ATP
+ Cho dê con bú bộ để đủ no bằng sữa các loài khác hoặc sữa thay thế, đồng thời tập ăn sớm cho dê con để không ảnh hưởng mức tăng trưởng của giống.
Dê rất mạnh về chức năng sinh lý, một dê đực có thể phụ trách 10-15 dê cái. Nuôi dê đực trong đàn giúp phát hiện cái lên giống và phối giống rất tốt. Tuy nhiên cũng nên thường xuyên thay đổi giống để tránh đồng huyết.
Dê có thể bị nhiễm các loại giun sán do ăn cỏ và các loại phụ phế phẩm nông nghiệp. Khi nhiễm bệnh dê gầy còm, da lông thô ráp, không bóng mượt, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy,... Bà con nên định kỳ tẩy giun sán cho dê, có thể dùng Fenben 10% vừa tẩy giun vừa tẩy sán cho dê.
Giống như bò, dê cũng có thể bị bệnh chướng hơi dạ cỏ. Không nên thả cho dê đi ăn quá sớm lúc còn sương, chúng có thể bị chướng hơi do ăn cỏ còn ướt sương đêm. Nếu cắt cỏ cho dê cũng không nên cắt lúc sáng sớm, cỏ còn ướt, nếu cỏ ướt hoặc quá tươi thì nên trải trên sàn cho hơi héo rồi mới cho ăn để tránh bệnh chướng hơi.
Một số bà con cho dê ăn thêm thức ăn hạt, cám, hoặc thức ăn của các loài khác như cám heo, cám gà,... Bà con nên trộn các loại thức ăn này vào thức ăn thô xanh để tăng cường tiêu hóa, tận dụng được các loại thức ăn có thành phần dinh dưỡng kém như chuối cây, rơm, cỏ khô,... đồng thời giúp dê thích ăn hơn./.
Lê Thị Thu Hiền (Theo Bạn Nhà Chăn nuôi)