Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khuyến nông Lâm Đồng với vai trò là cầu nối giữa nhà khoa học và nhà nông

Năm 2019, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức của thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Song với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong và ngoài ngành, cùng sự nỗ lực và cố gắng của toàn thể công chức, viên chức Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 đề ra trên tất cả các lĩnh vực.



Nét nổi bật là các mặt công tác đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, nhiều tiến bộ kỹ thuật được đề xuất, triển khai áp dụng trên diện rộng. Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả 51 mô hình, dự án khuyến nông, trong đó có 39 mô hình canh tác cà phê bền vững, 05 mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, 02 mô hình chăn nuôi và thủy sản theo hướng an toàn sinh học, 05 mô hình thuộc dự án nhánh từ nguồn kinh phí của Trung ương. Các mô hình được triển khai với nội dung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế, hướng đến các vùng sản xuất hàng hóa an toàn, phát huy lợi thế của từng địa phương, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài triển khai, xây dựng các mô hình khuyến nông, Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hội thảo tư vấn kỹ thuật cho 6.221 nông dân tham dự.

Trước yêu cầu của thực tiễn khách quan, năm 2020, với định hướng đẩy mạnh triển khai các mô hình khuyến nông theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Khuyến nông Lâm Đồng sẽ tiếp tục đổi mới cả về tổ chức, nội dung và phương pháp hoạt động. Cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận khuyến nông, từ khuyến nông giữ vai trò “hỗ trợ” sang khuyến nông giữ vai trò “kết nối” (kết nối giữa khoa học công nghệ và sản xuất, kết nối giữa sản xuất và thị trường). Phối hợp, lồng ghép các hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả hoạt động: từ mô hình tốt, cách làm hay kết hợp với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thông tin tuyên truyền để lan tỏa và nhân rộng ra sản xuất một cách bền vững. Trong đó, sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, thực hiện tốt công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cho bà con nông dân ứng dụng vào sản xuất thực tế, đặc biệt là bà con nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể: Trong năm 2020, sẽ tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho cán bộ làm công tác khuyến nông cấp tỉnh, huyện, hội nông dân, hội cựu chiến binh trên địa bàn toàn tỉnh như: Trồng một số loại cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao trong vườn điều, vườn cà phê kém hiệu quả theo hướng bền vững gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Trồng, chăm sóc, ghép cải tạo một số giống mắc ca có năng suất và chất lượng cao xen trong vườn cà phê theo chuỗi phục vụ chế biến, xuất khẩu. Một số tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi phục vụ tái đàn… Ngoài ra, phối hợp với dự án VnSAT tổ chức các lớp tập huấn FFS cho nông dân về sản xuất cà phê bền vững.

Nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới bằng nhiều hình thức sinh động, thiết thực, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, thông qua Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Website, Bản tin Khuyến nông, email, điện thoại… nhằm giúp người dân giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất.

Tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông có hiệu quả, đặc biệt là các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái… hướng tới nền sản xuất an toàn, bền vững và hiệu quả như: Sử dụng côn trùng thiên địch để hạn chế sâu hại ớt ngọt trong nhà kính; Chuỗi sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm chuối Laba tại huyện Đam Rông; Trồng nấm linh chi đỏ áp dụng công nghệ IoT; Trồng xen canh cây mít thái và vú sữa hoàng kim trên đất trồng điều kém hiệu quả; Nuôi heo nái sinh sản theo VietGAHP nhằm khôi phục đàn heo sau dịch bệnh; Nuôi cá Leo thương phẩm trong ao đất… Phối hợp với dự án VnSAT Lâm Đồng xây dựng 60 mô hình sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn 35 xã/phường thuộc vùng dự án.

Phân tích diễn biến và dự báo xu hướng thị trường nông sản, giúp cho bà con nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã… có kế hoạch sản xuất, lựa chọn sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Hoàn thành mục tiêu năm 2020 nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%, trong đó 27,5% người dân sử dụng nước sạch theo QC02/BYT.

Chủ động theo dõi, đề xuất các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là rác thải nguy hại.

Với kết quả đạt được, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng sẽ tạo được vị thế mới, tiếp tục phát triển và có đóng góp quan trọng vào thành công chung của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng trong tương lai./.

Trần Văn Tuận - TTKN Lâm Đồng