Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Hương Sơn (huyện Thanh Trì) Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, hiện nay, công ty có hơn 30 loại sản phẩm chế biến từ giò chả, bánh chưng... đều bảo đảm an toàn thực phẩm. Công ty đã thực hiện tự công bố chất lượng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính minh bạch của sản phẩm.
Còn theo Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung, để giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm lưu thông trên thị trường, huyện tăng cường công tác tuyên truyền và hậu kiểm để kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật.
Mặc dù có chuyển biến nhất định về quản lý an toàn thực phẩm nhưng các ngành chức năng vẫn chưa hết nỗi lo với các sản phẩm tự công bố chất lượng. Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã tiếp nhận 1.819 bộ hồ sơ tự công bố thực phẩm chế biến nông sản và đăng tải lên website bản tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm chế biến bao gói thuộc ngành Nông nghiệp quản lý; ngành cũng đã tổ chức hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm đối với hàng chục cơ sở.
Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, trong số 21 mẫu sản phẩm tự công bố để kiểm tra an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội phát hiện 3 mẫu sử dụng phụ gia vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Các đoàn kiểm tra đã hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm đối với hành vi sử dụng phụ gia vượt mức giới hạn tối đa cho phép đối với 1 cơ sở, tổng số tiền phạt là 40 triệu đồng.
“Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã lấy 1.226 mẫu thực phẩm để kiểm tra chất lượng. Đối với 844 mẫu đã có kết quả thì phát hiện 41 mẫu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (chiếm 4,9%). Nguyên nhân chủ yếu do số lượng cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản của Hà Nội tuy lớn nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; ý thức của người kinh doanh chưa cao, vẫn có tình trạng chạy theo lợi nhuận...”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng rất lớn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, huyện tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm việc tự công bố chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn kết hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, bên cạnh việc kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản trên thị trường, ngành Nông nghiệp Hà Nội hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở thuộc phạm vi quản lý của quận, huyện, thị xã. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức cho người dân về kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.../.
NB (Theo Báo HNM)