Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả bước đầu thử nghiệm ứng dụng đèn led trong khai thác hải sản xa bờ

Sử dụng đèn Led trong khai thác hải sản mang lại lợi ích rất lớn cho các chủ tàu, cho cả nền kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường thông qua giảm lượng phát thải khí nhà kính. Các kết quả nghiên cứu thử nghiệm cho thấy, sử dụng đèn Led giảm được đến 75% chi phí dầu chạy máy phát điện, giảm chi phí đầu tư hệ thống máy phát điện (giảm hơn 70% công suất), năng suất khai thác và hiệu quả kinh tế cao hơn tàu sử dụng nguồn sáng truyền thống.



Đèn LED (Light Emitting Diode) được biết đến như là công nghệ thân thiện với môi trường do giảm lượng khí thải CO2, trong công nghệ đèn Led không sử dụng các chất độc hại như thủy ngân, chì, cadium nên không gây độc cho con người và môi trường. Đặc biệt sử dụng đèn Led có thể tiết kiệm chi phí nhiên liệu từ 50-70% so với các loại đèn thông thường, tuổi thọ của đèn Led cao hơn gấp 5-10 lần so với các loại đèn thông thường. Vì những tính năng, ưu thế vượt trội nên công nghệ đèn Led hiện nay được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành như chiếu sáng công cộng, các loại bảng quảng cáo, đèn xe ô tô và xe máy… Ngoài ra, đèn Led còn có các ưu điểm khác như tuổi thọ lâu hơn, hiệu suất phát sáng cao hơn… so với các loại đèn truyền thống khác.

Quảng Ninh có diện tích vùng biển trên 6.000 km2, biển Quảng Ninh - Hải Phòng là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước có nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú với nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó Quảng Ninh cũng là tỉnh có số lượng tàu thuyền khái thác thủy sản lớn, đặc biệt là đội tàu khai thác sử dụng ánh sáng. Các nghề như chài chụp, pha xúc hiện nay thường sử dụng đèn cao áp truyền thống ngoài việc tiêu tốn quá nhiều năng lượng làm giảm hiệu quả kinh tế còn gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực kéo theo từ sức khỏe, an toàn lao động đến môi trường. Xuất phát từ ý nghĩa trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo (văn bản số 7987/UBND-NLN1 ngày 29/10/2018) Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với các đơn vị, cá nhân liên quan triển khai thử nghiệm ứng dụng công nghệ đèn Led trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Sau thời gian triển khai, Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức tổng kết, đánh giá cụ thể:

  1. Thông tin về chủ tàu, tàu thử nghiệm

Thử nghiệm trên 3 tàu cá tại thị xã Quảng Yên (2 tàu nghề chài chụp và 1 tàu nghề pha xúc), cụ thể:

Tàu chụp của ông Nguyễn Văn Đãng, công suất máy 430CV (máy phát 550CV) là tàu lớn, hiện đại. Trước khi thử nghiệm đã lắp đặt 400 đèn Siu (loại 1.000W/bóng). Chủ tàu chỉ nhận thử nghiệm theo hình thức bổ sung (trang bị để sáng hơn, sử dụng khi phù hợp) nên lắp đặt 60 đèn Led với tỷ lệ thay thế 15%.

Tàu chụp của ông Đỗ Văn Thành, công suất máy 350CV (máy phát 550CV). Trước khi thử nghiệm lắp đặt 350 đèn Siu (loại 1.000W/bóng). Chủ tàu chấp nhận thử nghiệm theo hình thức dần thay thế hoàn toàn. Hiện đã lắp đặt 250 đèn Led 200W với tỷ lệ thay thế 72%.

Tàu pha xúc của ông Nguyễn Đăng Dựng công suất máy 680CV (máy phát 90CV). Trước khi thử nghiệm đã lắp đặt 24 bóng đèn Siu (loại 1.500W/bóng). Chủ tàu chấp nhận thử nghiệm theo hình thức dần thay thế hoàn toàn. Hiện đã lắp đặt 18 đèn Led 400W với tỷ lệ thay thế 75%.

  1. Ngư trường và thời gian thử nghiệm

- Ngư trường để tổ chức khai thác trình diễn là: Long Châu, Bạch Long Vĩ, Cô Tô… với độ sâu từ 28 – 40m.

- Thời gian thử nghiệm: Tàu ông Nguyễn Văn Đãng và tàu ông Nguyễn Đăng Dựng từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2018. Tàu ông Đỗ Văn Thành từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2018 và từ tháng 02 đến tháng 3 năm 2019 (khai thác vụ mực chính).

3.Các bước tiến hành triển khai thử nghiệm

Tìm hiểu kỹ về công nghệ đèn Led, các thông số kỹ thuật (các chỉ tiêu ánh sáng, công suất, trọng lượng, vận hành, chế độ bảo hành…), năng lực của đơn vị phân phối và khả năng đầu tư của chủ tàu tham gia thử nghiệm.

Tổ chức hội nghị giới thiệu về công nghệ đèn Led, đo đạc các chỉ số ánh sáng để so sánh với đèn truyền thống nhằm thu hút sự quan tâm của người dân và tiến hành thỏa thuận cùng doanh nghiệp để có cơ chế phù hợp để hỗ trợ người dân đầu tư thử nghiệm.

Tổ chức lắp đặt theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng, bảo dưỡng, hướng dẫn ghi chép sổ sách theo dõi, cử cán bộ đi biển bám sát tình hình khai thác của các chủ tàu, kịp thời phản ánh ý kiến của người dân đối với đơn vị sản xuất để hoàn thiện đèn Led về hình dáng, trọng lượng, các yêu cầu về nhiệt độ màu…

  1. Tiêu chuẩn kỹ thuật đèn đưa vào thử nghiệm

- Đối với đèn Led cho tàu chụp: Công suất đèn 200W; hiệu suất phát quang ≥ 120 lm/W; góc chiếu sáng ≥1000; điện áp từ 100V-277V; nhiệt độ màu 4000K-6000K; cấp bảo vệ IP ≥ 66; EMC pass (có chống nhiễu).

- Đối với đèn Led cho tàu pha xúc: Công suất đèn 400W; hiệu suất phát quang ≥ 110 lm/W; góc chiếu sáng ≤ 600; điện áp 100V-265V; nhiệt độ màu 4000K-6000K; cấp bảo vệ IP ≥ 66; EMC pass (có chống nhiễu).

  1. So sánh kết quả thử nghiệm và đánh giá

Qua theo dõi các chỉ tiêu cho thấy:

- Đối với tàu pha xúc, chỉ tiêu sản lượng tăng không nhiều so với khi sử dụng đèn truyền thống tuy nhiên chỉ tiêu hiệu quả kinh tế được nâng lên từ số lượng dầu tiết kiệm hàng tháng đạt 12 triệu đồng/tháng. Các chỉ tiêu về cường độ, màu sắc ánh sáng, không gây nhiễu sóng các thiết bị hàng hải, tính ổn định của bóng đèn cao; khả năng chống ăn mòn và chịu va đập tốt. Đèn Led cũng đã giải quyết tốt việc nhanh chóng phát sáng sau khi dùng các thiết bị phát hiện luồng cá để khai thác giúp tiết kiệm thời gian, gia tăng số mẻ lưới. Do đặc thù của phương thức khai thác này nên tàu pha xúc sử dụng khá ít đèn khai thác (từ 10-30 bóng) kéo theo viêc trang bị máy phát công suất không lớn nên ít ảnh hưởng đến khả năng đầu tư của chủ tàu và việc thay thế đèn Siu là hoàn toàn khả thi.

- Đối với tàu chài chụp, chỉ tiêu sản lượng cũng tăng không quá lớn khi so sánh với việc sử dụng đèn Siu, tuy nhiên từ 2 tàu tham gia thử nghiệm (tổng lượng bóng trang bị, công suất máy không quá chênh lệch) qua số liệu phân tích các chỉ tiêu về sử dụng nguồn sáng và hiệu quả cho thấy: Tàu ông Nguyễn Văn Đãng với tỷ lệ thay thế 15% (60/400 bóng) nên hiệu quả kinh tế chưa rõ nét so với trước đây. Tàu ông Đỗ Văn Thành với tỷ lệ thay thế 72% (250/350 bóng) nên hiệu quả kinh tế đã tăng rõ rệt, mức tiêu thụ dầu tương ứng là 16.000 lít so với 29.052 lít (giảm lượng dầu tiêu thụ mỗi đêm trên 180 lít); Hiệu quả kinh tế sau khi trừ chi phí cao hơn các tàu có công suất tương đương khác đang sử dụng bóng đèn truyền thống từ 25 – 30%; Các chỉ tiêu về cường độ, màu sắc ánh sáng, không gây nhiễu sóng các thiết bị hàng hải, tính ổn định của bóng đèn cao... Đèn Led cũng đã giải quyết tốt việc nhanh chóng phát sáng sau khi dùng các thiết bị phát hiện cá để khai thác giúp tiết kiệm thời gian, gia tăng số mẻ lưới; Quá trình lắp đặt, thay thế, vận hành đèn Led thuận lợi và an toàn hơn so với đèn Siu (thị lực, bỏng da, cháy nổ...).

Ứng dụng đèn Led trong khai thác hải sản cho thấy rất nhiều ưu thế so với việc sử dụng các nguồn sáng truyền thống, tuy vậy để đèn Led được triển khai sử dụng rộng rãi trong thực tế thì cả người dân, doanh nghiệp nghiên cứu chế tạo và các cơ quan quản lý cần có những điều chỉnh phù hợp như thói quen, tập quán sử dụng thiết bị; hạ giá thành sản phẩm; đổi mới hình dáng kết cấu, chủng loại và trọng lượng đèn; có thêm chính sách khuyến khích ứng dụng... Có thể nói, việc triển khai thử nghiệm ứng dụng công nghệ đèn Led trong khai thác hải sản cho kết quả tốt đã khẳng định tính phù hợp, tạo nên một bước phát triển mới trong lĩnh vực khai thác. Ứng dụng công nghệ Led giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm của chính quyền, ngư dân cũng như đáp ứng rất tốt định hướng tăng trưởng xanh, bền vững, an toàn và hiệu quả./.

TTKN Quảng Ninh