Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Sóc Sơn: Phát triển ngành hàng lúa gạo tăng về chất

Năm 2022, tổng diện tích gieo trồng lúa của huyện Sóc Sơn giảm 259 ha, tuy nhiên, năng suất lúa lại tăng đáng kể. Qua đó giúp tổng sản lượng lúa toàn huyện đạt được trong năm vẫn tương đương năm 2021.



Sản lượng lúa ước đạt 112.000 tấn

Năm 2022, tổng diện tích gieo trồng lúa trên địa bàn huyện Sóc Sơn đạt gần 18.771 ha. Con số này giảm 259 ha so với năm 2021. Tuy nhiên, so với kế hoạch của cả năm 2022 thì diện tích sản xuất lúa đạt 101,5%.

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của 2 đợt mưa lớn kéo dài và diện tích sản xuất giảm, sản lượng lúa cả năm 2022 của huyện Sóc Sơn vẫn đạt hơn 112.000 tấn, tương đương năm 2021. Năng suất lúa ước đạt 59,3 tạ/ha, cao hơn 0,2 tạ/ha (tương ứng 0,34%) so với năm 2021.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, xác định lúa vẫn là cây trồng chủ lực nên ngay từ đầu năm 2022, huyện đã chỉ đạo mở rộng diện tích giống lúa năng suất, chất lượng cao trong vụ Xuân và vụ Mùa. Các giống lúa truyền thống được thay thế dần bằng một số giống tiên tiến như: HD11, VNR20, J02… cho năng suất vượt trội, từ 64,7 - 65,8 tạ/ha.

Một lý do khác phải kể tới là dù chịu ảnh hưởng của nhiều đợt mưa kéo dài, tuy nhiên huyện Sóc Sơn đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc, phục hồi những diện tích lúa bị ngập úng sau khi nước rút. Công tác lấy nước vụ Xuân cũng được thực hiện tốt, bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh trưởng, phát triển cho cây lúa.

 

Công tác bảo vệ thực vật và phòng trừ dịch hại cũng được phòng Kinh tế phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội thực hiện thường xuyên. Hơn 800kg thuốc diệt chuột đã được huyện hỗ trợ 26 xã, thị trấn để bảo vệ lúa vụ Mùa. Nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho các trà lúa Mùa được thực hiện, mang đến cho người nông dân những hiểu biết căn bản để bảo vệ sản xuất…

Tăng cường liên kết sản xuất

Trong định hướng phát triển ngành hàng lúa gạo, huyện Sóc Sơn chủ trương giảm diện tích. Thay vào đó là tăng cường sử dụng các giống lúa tiên tiến, cho năng suất cao, chất lượng tốt nhằm gia tăng lợi ích kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.

“Huyện đang phấn đấu giảm tỷ lệ giống lúa Khang Dân chất lượng thấp còn 12 - 14% diện tích gieo trồng vào năm 2023; đồng thời, đẩy mạnh việc đưa các giống lúa tiến bộ, chất lượng cao vào sản xuất đạt ít nhất 85%...” – Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết.

Cùng với các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa hàng hoá, tìm kiếm đầu ra ổn định hơn cho lúa gạo, đặc biệt là giống nếp cái hoa vàng đang là bài toán đặt ra đối với huyện Sóc Sơn. Thực tế hiện nay, việc tiêu thụ một sản lượng lớn thóc lúa sau thu hoạch vẫn còn những khó khăn nhất định, không chỉ riêng ở huyện Sóc Sơn mà nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn, trong năm 2023, địa phương sẽ nghiên cứu, xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo hướng liên kết chặt chẽ kinh tế hộ với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng.

Huyện Sóc Sơn cũng sẽ làm tốt công tác dự tính, dự báo; quản lý không để sâu bệnh gây hại cho cây lúa trên diện rộng. Đồng thời, tập trung chỉ đạo sản xuất đúng khung thời vụ; phấn đấu gieo trồng hết diện tích đất lúa, không để đất nông nghiệp bị hoang hoá gây lãng phí./.

TA (Theo Báo KTĐT)