Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân địa phương.



Năm 2015, khi khái niệm NNCNC vẫn còn mới mẻ với đa số người dân thì ông Trần Trọng Vinh thôn Bái Nội, xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã mạnh dạn đầu tư 2 tỷ đồng để thực hiện mô hình trồng rau màu trong nhà màng. Do có cơ hội được tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật canh tác ở nhiều nơi nên ông Vinh có niềm tin vào hướng sản xuất mới. Ông cho biết: “Chi phí đưa công nghệ cao vào sản xuất tốn kém nhưng hiệu quả mang lại rất lớn bởi khắc phục được những hạn chế mà ngành nông nghiệp đang gặp phải. Sản xuất ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nên việc kiểm soát dịch bệnh dễ dàng hơn, sản phẩm làm ra an toàn, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Từ ngày có công nghệ cao hỗ trợ, tôi chuyển sang trồng các loại rau, củ, quả cao cấp như dưa lưới, dưa lê, cải bắp tím... Sản phẩm làm ra tốt hơn so với đại trà nên giá bán cao hơn, lợi nhuận lớn hơn”.

HTX Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cũng bắt kịp làn sóng phát triển NNCNC khi xây dựng 5.000m2 nhà màng để trồng rau sạch. Theo ông Phùng Danh Mừng, Giám đốc HTX, các thành viên trong HTX đều có kinh nghiệm trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ lâu, nông dân Gia Lộc đã sử dụng khum nilon nhằm giảm thiểu rủi ro do thời tiết gây ra nhưng cách làm này lại gây khó khăn cho việc chăm sóc. Do đó, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới tiện lợi và hiệu quả hơn nhiều. Ngoài ra, hạ tầng sản xuất đồng bộ cũng giúp HTX có thể tạo được niềm tin, uy tín với khách hàng, từ đó giúp ký kết được nhiều hợp đồng bao tiêu với các đơn vị thu mua.

Hội tụ đầy đủ những yếu tố thuận lợi về tự nhiên và con người nên huyện Gia Lộc đã tạo ra đột phá trong phát triển NNCNC. Đến nay, toàn huyện đã có khoảng 12.000 m2 nhà màng, nhà lưới. Để phục vụ sản xuất hiệu quả trong nhà màng, nhà lưới, người dân còn lắp hệ thống tưới tự động, thiết bị đo và điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ. Nhờ áp dụng công nghệ cao mà giá trị sản xuất được nâng lên. Năm 2018, huyện phấn đấu xây dựng thêm 60.000 m2 nhà màng, nhà lưới để đáp ứng yêu cầu của sản xuất.

NNCNC là xu thế tất yếu đối với những địa phương có truyền thống thâm canh rau màu như huyện Gia Lộc. NNCNC không chỉ giúp người dân chủ động trong sản xuất mà còn tránh được tình trạng lệ thuộc vào thương lái trong tiêu thụ. Chính vì vậy, NNCNC tại Gia Lộc đang ở trong giai đoạn phát triển nóng. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy người dân đã nắm bắt và nhìn nhận được những điểm ưu việt của NNCNC so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Đây cũng chính là cơ hội để người dân có thể thay đổi tập quán canh tác chộp giật, chỉ chú trọng số lượng chứ không quan tâm tới chất lượng như trước đây. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển NNCNC như hiện nay thì phải có định hướng đúng đắn để tránh tình trạng NNCNC rơi vào lối mòn, ngõ cụt.

Để có sản phẩm chất lượng phục vụ xuất khẩu, Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt ở xã Gia Tân đã xây dựng 50.000 m2 nhà màng, nhà lưới với kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc công ty cho biết: “Mặc dù chi phí bỏ ra lớn nhưng đó là cần thiết bởi vừa giúp công ty giải bài toán về nguồn nguyên liệu, vừa góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất sạch. Chúng tôi mong muốn mô hình sản xuất rau, củ, quả thành phẩm và cung ứng rau giống công nghệ cao của công ty sẽ là hạt nhân liên kết với các mô hình vệ tinh của người dân. Có như vậy, NNCNC mới phát huy được hiệu quả tối đa, sản xuất sạch mới thực sự bền vững”.

Theo ông Đỗ Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc, thời gian qua, sản xuất NNCNC trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của nền nông nghiệp hiện đại. Phát triển NNCNC là nội dung trọng tâm trong thực hiện Đề án 01 về “Quy hoạch và xây dựng vùng hoa, rau quả tập trung theo hướng an toàn, tiến tới sạch phù hợp với kinh tế nông nghiệp ven đô giai đoạn 2016-2020” của huyện. NNCNC đã đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của Gia Lộc. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp thúc đẩy NNCNC phát triển, huyện cũng cần chú trọng đánh giá tình hình sản xuất, định hướng cho người dân những mô hình sản xuất phù hợp để tránh lãng phí, tốn kém không cần thiết./.

TT (Nguồn Báo Hải Dương)