Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hướng dẫn làm bả chua ngọt diệt trưởng thành sâu keo mùa thu

Thời gian gần đây Sâu keo mùa thu (SKMT) bùng phát và gây hại mạnh trên hầu khắp các địa phương trồng ngô trên cả nước. Hiện đã có hàng chục ngàn héc ta ngô bị cắn phá, có những diện tích SKMT gây hại quá nặng phải hủy bỏ. Sâu non của SKMT gây hại từ khi ngô 2-3 lá đến bắp non. Giai đoạn ngô 3-9 lá là giai đoạn thường bị SKMT gây hại nặng.



Để nỗ lực ngăn chặn sự phát tán của SKMT, một trong những biện pháp Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để đối phó với dịch sâu keo mùa thu là trừ diệt sâu trưởng thành - ngài đêm của SKMT. Trong đó biện pháp làm bẫy bả để tiêu diệt ngài đêm (sâu trưởng thành của sâu keo mùa thu) cần được tiến hành đồng thời. 

Đặt bẫy bả chua ngọt dẫn dụ tiêu diệt trưởng thành sâu keo mùa thu đơn giản, rẻ tiền, hiệu quả cao.

Trưởng thành sâu keo mùa thu (ngài) bay lượn trong đêm để giao phối, đẻ trứng nhất là đêm ấm áp, độ ẩm cao.

Ban ngày chúng ẩn nấp dưới các lá cây to, lá khô trên mặt đất hoặc nách cuống lá. Mỗi con trưởng thành cái đẻ có thể đẻ trên dưới 10 ổ trứng, mỗi ổ hàng chục đến hàng trăm trứng.

Cách làm bẫy bả chua ngọt:

  1. a) Nguyên liệu: Lấy 4 phần mật mía (hoặc rỉ mật, đường phên) trộn với 4 phần dấm (tốt nhất là dấm hoa quả), 1 phần rượu và 1 phần nước.
  2. b) Ngâm ủ: Cho các loại nguyên liệu trên vào khuấy kỹ để dung dịch tan đều sau đó đem ủ kín trong can nhựa, lu, vại, hoặc dụng cụ khác có nắp đậy trong 3 - 4 ngày, khi dung dịch có mùi thơm thì đem dùng.
  3. c) Làm bẫy:

- Pha bả độc: theo tỷ lệ 5 ml thuốc trừ sâu (nên chọn thuốc độc qua đường miệng, không có mùì, như Marshal 200sc, Regent 800WG, Ohayo 100SC) với 1,5 lít dung dịch chua ngọt (pha gấp đôi so với liều lượng khuyến cáo sử dụng để phun ghi trên bao bì). Thuốc dạng bột cần hòa tan với một lượng nhỏ nước trước khi pha với dung dịch chua ngọt.

- Làm bẫy:

+ Dùng giẻ, bông, bùi nhùi hoặc xốp thấm nước tốt, tẩm đẫm dung dịch bả độc hoặc rót dung dịch bả độc vào các đĩa, cốc, lọ nhựa rộng miệng (sao cho trưởng thành bay vào hút dịch và bay ra được) rồi đặt dưới bó lá dừa, bó rơm rạ hoặc vật che chắn không để nước mưa rơi vào làm loãng bả độc.

+ Có thể tẩm bả độc vào trong bó rơm rạ và cắm trên ruộng.

  1. d) Đặt bẫy:

- Đặt bẫy trước khi trồng ngô, trong vụ và kể cả sau khi thu hoạch ngô để diệt trưởng thành.

- Tùy khả năng đặt bẫy càng nhiều, càng rộng thì hiệu quả diệt trừ càng cao, thông thường có thể đặt 50-100 bẫy/ha. Khi ngô mới trồng có thể đặt bẫy trực tiếp trên mặt ruộng; khi ngô cao nên đặt bẫy cao hơn mặt tán lá ngô trên ruộng (10-20 cm).

Cơ chế của bẫy bả

Dung dịch chua ngọt hấp dẫn trưởng thành đến hút mật (trưởng thành có tập tính ăn thêm trước khi giao phối, đẻ trứng); thuốc BVTV làm trưởng thành ngộ độc chết.

Chọn các thuốc BVTV trừ sâu bộ cánh vảy, có tác dụng vị độc, không mùi cho hiệu quả cao hơn.

 Hà Thúy Tuyển (Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam)