Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ

Huyện Chương Mỹ có đặc điểm địa hình vừa mang đặc trưng vùng đồng bằng sông Hồng, vừa mang đặc trưng vùng bán sơn địa, chia làm ba vùng địa hình có định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi khác nhau. Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, những năm qua huyện Chương Mỹ đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất theo hướng tập trung và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến đang từng bước khẳng định hướng đi đúng đó.



 

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến được thành lập năm 2018, là mô hình đầu tiên xuất phát từ ý tưởng khởi nghiệp Đề án 939 “Hỗ trợ Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025” trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Khi mới thành lập, HTX có 15 thành viên tham gia góp vốn, ngành nghề sản xuất, kinh doanh chủ yếu  bán buôn, bán lẻ phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế và bảo quản các loại rau, quả… HTX được thành lập với mục tiêu hợp tác tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo việc làm cho các thành viên, qua đó đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung của thành viên về kinh tế và đời sống, hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến đã thu hút 21 thành viên là phụ nữ tham gia, thực hiện quản lý và sản xuất trên diện tích 70ha canh tác. HTX đã đi sâu vào phát triển trồng lúa hữu cơ, bưởi hữu cơ và rau an toàn.

Đối với trồng lúa, Ban đầu HTX  sản xuất 10ha đến nay HTX sản xuất 30ha, bằng giống lúa J02. HTX đã phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên, có nguồn nước tưới dồi dào, là xã không có khu công nghiệp nên điều kiện sản xuất lúa hữu cơ  thuận lợi, HTX đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội tập huấn về khóa học kỹ thuật cho các xã viên sản xuất lúa chuyển đổi hữu cơ, sử dụng 100% phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Sản phẩm lúa hữu cơ được Công ty thu mua tại đầu ruộng, giá trị kinh tế so với sản xuất thông thường tăng 15 – 20%.

Về phát triển rau an toàn, theo Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến Vũ Thị Huyền: “năm 2021, HTX đã thu hút 15 xã viên tham gia trồng rau, quả theo phương thức VietGAP và hướng hữu cơ 5ha. HTX chú trọng việc tập huấn, tuyên truyền để các xã viên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ về phân bón, cây giống…cho các xã viên. Lãnh đạo HTX lặn lội đến nhiều nơi để thăm quan và học hỏi kinh nghiệm hay trong sản xuất, tiêu thụ nông sản từ mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đi trước. Trung bình mỗi ha trồng rau hữu cơ một năm cho giá trị kinh tế từ 100 đến 130 triệu đồng/ha”. Rau được tiêu thụ trong các khu Công nghiệp, các trường học trên địa bàn Hà Nội.

Ngoài trồng lúa và rau an toàn, HTX  còn chú trọng phát triển bưởi, hiện xã Nam Phương Tiến có 150,7 ha bưởi diễn canh tác tập trung. Năm 2018, sau khi HTX Nam Phương Tiến được thành lập, được sự quan tâm đạo điều kiện của Sở Nông nghiệp & PTNT và các đơn vị của Sở, HTX đã đầu tư 15ha bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, có 29 hộ chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ. HTX đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông nghiệp mở lớp tập huấn  kỹ thuật thâm canh bưởi theo hướng VietGAP và hữu cơ. Người dân sau khi tham gia lớp tập huấn đã có ý thức trong việc tổ chức hợp tác sản xuất bưởi bằng biện pháp hữu cơ, biết lựa chọn phân bón cân đối dinh dưỡng cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, không sử dụng phân – thuốc hóa học nhằm giúp tăng tính bền vững cho vườn cây, làm đất tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng. Cây bưởi được chăm sóc theo hướng hữu cơ, VietGAP tỷ lệ đậu quả cao hơn, sản phẩm bưởi bảo quản được lâu hơn, chất lượng tốt hơn. Hiện nay, sản phẩm bưởi của HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Để từng bước nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường, HTX Nông nghiệp Nam Phương Tiến đã xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm tiêu biểu bưởi, rau an toàn tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương. Từ đó từng bước nâng cao đời sống vật chất của các thành viên, góp phần xây dựng quê hương Nam Phương Tiến ngày càng giàu đẹp./.

Đặng Diện