Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hoài Đức ''tiếp sức'' cho làng nghề

Là huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, Hoài Đức đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí để trở thành quận trong những năm tới. Với lợi thế có rất nhiều làng nghề, huyện xác định, dù phát triển đô thị, làng nghề vẫn là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.



Mũi nhọn trong phát triển kinh tế

Có thể nói, gần như làng nào ở Hoài Đức cũng có nghề, nhờ đó mà kinh tế các hộ đều phát triển. Thôn Ngự Câu, xã An Thượng những ngày cuối năm không khí sản xuất rộn ràng hơn. Khắp các ngả đường thôn, trong sân của các gia đình là những phên bánh đa nem hong phơi trước khi đóng gói, đưa ra thị trường…

Trưởng thôn Ngự Câu Nguyễn Đăng Hùng cho biết, thôn có nghề sản xuất bánh đa nem truyền thống với 231/982 hộ tham gia, tạo việc làm cho khoảng 400 lao động địa phương. Nhờ nghề này, thu nhập bình quân mỗi lao động đạt 5-8 triệu đồng/tháng.

Nức tiếng với nghề điêu khắc tượng Phật và đồ thờ, làng nghề Sơn Đồng là biểu tượng tinh hoa mỹ nghệ truyền thống. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Trung Hùng cho biết, sau thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19, làng nghề đang phát triển trở lại. Toàn xã hiện có khoảng 1.700 hộ làm nghề, chiếm 70% tổng số hộ, mỗi năm mang lại giá trị thu nhập hàng trăm tỷ đồng. Xã không còn hộ nghèo và đang phấn đấu hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Ông Nguyễn Viết Thạnh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Sơn Đồng cho biết, thu nhập mỗi người thợ tùy tay nghề nhưng thấp nhất cũng đạt 300 nghìn đồng/ngày công; các thợ đục tay nghề cao có thu nhập hàng triệu đồng/ngày.

Xã Minh Khai lại nổi tiếng với nghề làm bún, phở khô, miến và bánh kẹo. Chủ tịch UBND xã Minh Khai Đỗ Xuân Đáng cho biết, trước đây, các hộ trong xã chủ yếu làm miến dong. Tuy nhiên, bắt nhanh xu hướng tiêu dùng, hiện nay, các hộ sản xuất đa dạng sản phẩm. Ngoài miến dong, còn có miến khoai lang, khoai tây, bún phở khô gạo lứt. Đặc biệt, có hộ sáng tạo miến sắn dây (sử dụng 100% bột sắn dây) để làm ra loại miến dai, ngon và tốt cho sức khỏe.

Anh Đỗ Danh Xuân - chủ cơ sở sản xuất Xuân Hương - người sáng tạo ra miến sắn dây cho biết: "Không giống bột dong, bột sắn dây làm miến rất khó. Tôi đã phải nghiên cứu rất lâu, làm thử rất nhiều lần mới thành công. Hiện, sản phẩm đã được thành phố Hà Nội công nhận OCOP 4 sao và đang có sức tiêu thụ rất tốt trên thị trường".

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Trọng Lương, huyện hiện có 52/54 làng có nghề, trong đó 12 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận. Các làng nghề của Hoài Đức sản xuất nhiều ngành nghề khác nhau song tập trung chủ yếu là chế biến nông sản như mỳ, miến, bột, xay xát gạo; dệt may, bánh kẹo, tạc tượng, sản xuất đồ gỗ… Các làng nghề phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nâng cao đời sống người dân và tăng thu nhập cho ngân sách địa phương…

Tiếp tục hỗ trợ làng nghề

Tuy đạt nhiều kết quả tốt, song phát triển làng nghề trên địa bàn Hoài Đức còn một số khó khăn. Đó là, quy mô sản xuất của các cơ sở trong làng nghề còn nhỏ lẻ; việc đầu tư máy móc và cải tiến công nghệ, áp dụng khoa học - kỹ thuật còn gặp nhiều hạn chế; sản xuất trong khu dân cư, diện tích nhỏ, hạ tầng về giao thông, thoát nước hạn chế, vì vậy, việc xử lý chất thải tại nguồn gặp khó khăn. Mặt khác, đa số cơ sở sản xuất - kinh doanh trong làng nghề, nhất là làng nghề chế biến nông sản có quy mô nhỏ, không đủ khả năng di chuyển hoạt động sản xuất ra cụm công nghiệp…

“Tiếp sức” cho làng nghề, những năm qua, cùng với sự quan tâm của thành phố, huyện Hoài Đức và chính quyền địa phương đều dành sự quan tâm, hỗ trợ làng nghề phát triển.

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Trung Hùng cho biết, mỗi năm, xã đều mở các lớp dạy nghề, truyền nghề cho thợ trẻ; khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề cho con cháu; hỗ trợ các chủ thể lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố. Năm 2021, Sơn Đồng có 2 sản phẩm được đánh giá, công nhận OCOP.

“Xã Sơn Đồng đang đề nghị các cấp hỗ trợ địa phương xây dựng khu bảo tồn và giới thiệu nghề truyền thống trên diện tích gần 6ha tại xứ đồng Trại Chiêu. Chúng tôi mong muốn dự án sớm được thành phố chấp thuận. Đây sẽ là nơi bảo tồn và giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm làng nghề với du khách gần xa, gắn với phát triển du lịch”, ông Nguyễn Trung Hùng nói.

Còn đối với xã Minh Khai, theo Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuân Đáng, xã đang tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bún miến phở khô Minh Khai” để nâng cao vị thế cho sản phẩm làng nghề. Nếu như những năm trước, làng nghề ở Minh Khai còn ô nhiễm bởi nước thải chưa qua xử lý thì hiện nay gần như đã được giải quyết triệt để. Xã đã vận động các hộ mua bột dong ở các nơi khác về địa phương làm miến thay vì mua củ dong về làm tinh bột nguyên liệu như trước. Bên cạnh đó, Nhà máy xử lý nước thải cầu Ngà đã đi vào hoạt động nên nước thải của làng nghề được xử lý, không còn ô nhiễm...

Trước sự phát triển, làng nghề đòi hỏi cần có mặt bằng sản xuất tập trung, xa khu dân cư để có điều kiện sản xuất tốt hơn, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hoài Đức đang có 10 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích hơn 178ha. Trong đó, cụm nhỏ nhất có diện tích hơn 6ha, lớn nhất hơn 49ha, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp, hộ gia đình vào sản xuất.

Để hỗ trợ các làng nghề, Hoài Đức tiếp tục đầu tư, xây dựng thêm 4 cụm công nghiệp, trong đó, Cụm công nghiệp Đông La vừa được khởi công tháng 7/2022, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2023; 3 cụm công nghiệp khác đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để triển khai, gồm: Cụm công nghiệp Dương Liễu giai đoạn 2, Cụm công nghiệp Minh Khai, Cụm công nghiệp Cát Quế. Khi các điểm công nghiệp hoàn thành sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về mặt bằng để các hộ, doanh nghiệp làng nghề có điều kiện sản xuất tốt hơn./.

TA (Theo Báo HNM)