Năm 2018, ông Phí Văn Nghị ở thôn Đồng Tâm, xã Phi Liêng, huyện Đơn Dương đã chuyển đổi 6 sào đất canh tác hoa màu sang xây dựng nhà kính trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ban đầu, ông đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà kính, lắp đặt thiết bị IOT kết nối với các cảm biến như đo nhiệt độ, độ ẩm, độ pH... để vận hành hệ thống tưới, bón phân, làm mát, chiếu sáng, màn chắn... phù hợp. Nếu có yếu tố vượt giới hạn, hệ thống sẽ gửi cảnh báo bằng tin nhắn, email qua điện thoại thông minh để xử lý. Đến nay, ông Nghị đã trồng được 1 sào dưa leo, 5 sào cây ớt chuông. Trong đó, 1 sào dưa leo cho thu từ 8 đến 9 tấn quả với giá bán hơn 9.000 đồng/kg; ớt chuông 50 tấn với giá bán dao động từ 20.000 - 24.000 đồng/kg, có thời điểm giá cao đạt 38.000 đồng/kg. Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của gia đình ông được các hợp tác xã ký kết thu mua và bao tiêu sản phẩm tại vườn. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, 6 sào trồng dưa leo, ớt chuông trong nhà kính cho thu về hơn 700 triệu đồng.
Ông Phí Văn Nghị ở thôn Đồng Tâm, xã Phi Liêng, cho biết: “So với cà phê thì đầu tư 1 sào trồng cây ớt chuông ban đầu lớn nhưng thu nhập sẽ cao hơn 1 ha cà phê. Tạo công ăn việc làm ổn định, thường xuyên cho người dân. Ngoài ra, bà con chủ động được kỹ thuật chăm sóc, nguồn thu. Đầu ra cho sản phẩm liên kết với hợp tác xã tại huyện Đơn Dương họ đến thu mua tại vườn nên rất thuận lợi cho bà con nông dân khi xuất bán”.
Nhận thấy việc làm nhà kính trồng rau, hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phi Liêng đã đầu tư chuyển đổi một số diện tích cà phê hiệu quả thấp chuyển sang làm nhà kính, với quy mô 1 đến 2 sào/hộ, nâng tổng diện tích nhà kính trên địa bàn xã lên hơn 1ha. Việc phát triển nhà kính để trồng rau, hoa là một hướng đi mới để người dân thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm trên một diện tích cây trồng.
Ông Trần Thanh Lễ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phi Liêng, cho biết: Từ năm 2018 bắt đầu triển khai 5 mô hình nhà kính trồng ớt chuông, rau và một số cây trồng khác. Việc áp dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong canh tác cây rau, bà con nông dân nơi đây đã rất chịu khó đi nghiên cứu, tìm hiểu về kỹ thuật áp dụng ở một số nơi như: Nam Ban, Đà Lạt. Vì vậy, chúng tôi cũng mạnh dạn tuyên truyền, động viên người dân phát triển theo mô hình này. Tuy nhiên, để xây dựng được một mô hình nhà kính trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong đó, mỗi sào nhà kính có chi phí dao động từ 200 đến 450 triệu đồng. Chính vì vậy, việc phát triển nhà kính còn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, xã Phi Liêng đang phối hợp với ngành chức năng, các ngân hàng giải ngân các nguồn vốn tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, ký kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Cùng với những giải pháp trên, xã Phi Liêng còn phối hợp với ngành chức năng tổ chức các buổi hội thảo tư vấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật về việc xây dựng nhà kính, kỹ thuật trồng, chăm sóc rau, hoa cho bà con nông dân. Đồng thời, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để hỗ trợ những hộ thiếu vốn, khoa học kỹ thuật, liên kết bao tiêu sản phẩm. Có như vậy, việc xây dựng nhà kính trồng rau, hoa mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà nông dân./.
Bùi Hằng - TTKN Lâm Đồng