Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả mô hình khởi nghiệp của Phụ nữ xã Đạ Sar

Với mong muốn xây dựng một mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, khuyến khích người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cùng nhau học tập, cùng nhau chie sẻ kinh nghiệm và chia sẻ rủi ro trong hoạt động sản xuất. Năm 2017 tổ hợp tác sản xuất Atiso trên địa bàn xã Đạ Sar đã được thành lập.



Dưới sự quản lý và điều hành của Hội phụ nữ xã, bước đầu triển khai mô hình thực sự đã đem lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổ hợp tác sản xuất Atiso trên địa bàn xã Đạ Sar là sản phẩm của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng chủ trì với mục đích củng cố vai trò của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả của liên kết chuỗi giá trị, tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy giá trị gia tăng của nông sản.

Chị Liêng Jrang K’Đom - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đạ Sar cho biết: Khi tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị cây Atiso, các hội viên phải tuân thủ các quy định đề ra và tuân thủ quy trình sản xuất, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn để tiếp cận khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.

Chị Cil K’Put ở thôn 6, xã Đạ Sar và gia đình lâu nay vẫn quen với việc trồng cà phê và các loại rau màu ngắn ngày như đậu Nhật, súp lơ… Được sự hỗ trợ và khuyến khích của Hội phụ nữ huyện và xã, gia đình chị đã tham gia Tổ hợp tác sản xuất và mạnh dạn chuyển hơn 1 sào đất sản xuất sang trồng thử nghiệm cây Atiso. Ban đầu, chị có nhiều lo lắng nhưng được sự hỗ trợ hoàn toàn về nguồn giống chất lượng, phân bón từ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và kỹ thuật canh tác từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạc Dương, cộng với sự nỗ lực học hỏi của bản thân, đến nay, chị đã sở hữu một vườn Atisô tươi tốt. Nhanh tay thu hoạch lứa lá Atisô thứ 8 sau 3 tháng xuống giống, chị K’Put cho biết: mỗi đợt từ 8 - 9 tạ với giá 2 ngàn đồng/kg, gia đình chị  cũng thu về được gần 2 triệu đồng.

Với diện tích mỗi hộ hội viên trồng 1 sào, các hộ được hỗ trợ cây giống, phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật... Hiện mô hình đang được Hội Phụ nữ xã Đạ Sar thực hiện theo hình thức 1 hộ trong dự án sẽ giúp cây giống cho 1 đến 2 hộ có nhu cầu trồng Atiso. Và bắt đầu khi thu hoạch lá, mỗi hộ sẽ đóng 100 ngàn đồng một tháng để tạo quỹ cho những hội viên được giúp giống có vốn chăm sóc cây Atiso. Theo Chị K’Đom - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đạ Sar thì cây Atiso trong thời gian qua khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và việc áp dụng quy trình chăm sóc, thu hoạch Atiso cũng khá đơn giản nên bà con nông dân dễ dàng áp dụng.

So với các cây trồng khác việc trồng Atiso phải thường xuyên thu dọn những lá già, lá bị bệnh mang tiêu hủy xa vùng canh tác, tránh gây vết thương cho cây, không cho nấm có điều kiện xâm nhiễm và gây hại. Đồng thời, chọn vùng đất cao ráo, tạo độ thông thoáng, thoát nước tốt có như vậy, năng suất Atiso mới đạt cao. Đối với cây Atiso, toàn bộ cây từ rễ, gốc, thân cho đến lá, bông đều được sử dụng và được thu mua với giá khá cao. Đây cũng là một loại cây dược liệu không quá khó trồng, và sau 3 tháng trồng thì cho thu hoạch lá, thu được trong vòng 8 đến 10 tháng. Bình quân mỗi cây thu khoảng hơn 1 kg bông tươi, 15 - 16 kg lá, khoảng từ 0,5 - 2 kg thân, rễ khô; giá thấp nhất cũng được 100.000 đồng/cây. Nếu thành công, 1 sào có thể thu được vài trăm triệu; đặc biệt, sau khi thu hoạch, Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng - Ladophar và nhiều thương lái thu mua hoàn toàn sản phẩm của các hộ nên đầu ra sản phẩm ổn định.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là loại cây dược liệu đối với bà con nông dân đồng bào dân tộc thiểu số là một bước đi mạnh dạn và hết sức quan trọng. Việc thành công từ mô hình, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các thành viên trong tổ đã tạo được niềm tin đối với bà con trong vùng. Đồng thời mở ra triển vọng phát triển kinh tế từ một cây trồng mới cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Phạm Phương  - Lạc Dương