Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hải Dương: Làm giàu từ mô hình hoa lan

Mới 31 tuổi nhưng anh Nghiêm Văn Hải (sinh năm 1987) quê ở thôn Kim Xá, xã Cẩm Đoài, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã sở hữu vườn lan rộng hơn 1.000 m2 với gần 300 loài, mỗi năm bán ra thị trường hàng trăm giò lan.



Tốt nghiệp Khoa Luật, Trường Đại học Đà Lạt năm 2011, anh Hải về làm thư ký tòa án tại Tòa án Nhân dân huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). Cơ duyên khiến anh Hải đam mê lan rừng cũng rất tình cờ. “Thời gian đầu về nhận công tác, tôi đến thăm người đồng hương Hải Dương và bị cuốn hút bởi các loài lan, tôi đã xin về trồng. Qua chăm sóc, tìm hiểu về cây lan rừng tôi quyết định làm một mảnh vườn nhỏ để thỏa mãn sở thích chơi lan. Dần dần, tôi đã có một vườn lan rừng rộng 100 m²”, anh Hải chia sẻ.

Mỗi chuyến công tác, anh lại tìm đến các địa phương, liên hệ với đồng bào dân tộc để mua lan. Chỉ cần có người mách nơi nào có lan đẹp thì dù xa mấy anh cũng lên đường mua bằng được. Thành công với mảnh vườn 100 m² ban đầu, anh đầu tư mảnh vườn thứ hai rộng 250 m². Từ năm 2017, anh dừng kinh doanh lan rừng do số lượng lan ngày càng cạn kiệt. Từ đây, anh tập trung trồng và chăm sóc vườn lan đã có bằng cách tự ươm giống, tách cây ra để trồng. Đầu năm 2018, anh mở thêm mảnh vườn thứ ba rộng 704 m2. Sau 7 năm, anh đã có 3 vườn lan rộng trên 1.000 m2 trồng gần 300 loài với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều giống lan quý đang có nguy cơ tuyệt chủng như Kiếm hồng lan, Bầu rượu, Giả hạc, Địa ngũ sắc…
Đến thăm vườn lan của anh Hải, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nhiều giống lan cho hoa hình dáng rất lạ, có hình thù của nhiều con vật như chuột, vòi voi, khỉ. Có nhiều loài từng sinh sống ở độ cao hàng trăm mét so với mực nước biển được anh thuần dưỡng để kéo dài thời gian ra hoa hoặc ra hoa nhiều mùa trong năm. Hiện anh Hải đang trồng thử nghiệm một số loại lan rừng sống ở độ cao từ 900m trở lên so với mực nước biển để lai tạo với giống địa phương.

Lan rừng thuần dưỡng của anh được tiêu thụ khắp cả nước. Ngoài nhân giống các loại lan rừng trong nước, anh Hải còn nhập khẩu thêm một số giống từ Thái Lan. Với mong muốn đưa lan rừng đến với đông đảo người chơi, anh cũng hướng tới đối tượng người chơi bình dân, mỗi giò lan bán ra có giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.Để có vườn lan "khủng" như hiện nay, anh Hải từng vấp phải không ít thất bại bởi không phải loài lan nào cũng hợp điều kiện khí hậu, đất đai của Lâm Đồng. Nhưng chưa bao giờ anh có ý định bỏ cuộc. Anh mày mò tìm hiểu thêm kỹ thuật chơi lan trên các hội, nhóm Facebook, các vườn lan trong và ngoài tỉnh. Khi đã có trong tay vốn kinh nghiệm chơi lan, anh đã chia sẻ cách trồng, chăm sóc lan cho nhiều người chơi lan trên toàn quốc.

Hiện anh Hải đang nỗ lực thành lập vườn bảo tồn đạt ngưỡng 2.000 loài hoa lan để thỏa niềm đam mê, đồng thời lưu giữ các nguồn gien lan rừng quý hiếm trước nguy cơ cạn kiệt./.

TT (Nguồn báo Hải Dương)