Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Gương hội viên nông dân làm kinh tế giỏi tại huyện Thạch Thất

Những năm gần đây, trên địa bàn xã Lại Thượng đã xuất hiện những tấm gương hội viên nông dân vượt khó làm kinh tế giỏi. Trong đó, hội viên Hội Nông dân Lê Văn Tại (sinh năm 1973) và chị Khuất Thị Nga (sinh năm 1974) ở thôn Thanh Phú (xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất) là tấm gương điển hình vươn lên làm kinh tế giỏi ở địa phương.



Cũng như bao gia đình làm nông khác, khi mới lập gia đình, vợ chồng anh Lê Văn Tại và chị Khuất Thị Nga cũng không có việc gì ngoài làm mấy sào ruộng, nuôi mấy con gà, con lợn để duy trì cuộc sống. Nhưng là người chăm chỉ, chịu khó, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, vợ chồng anh chị quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Qua tham quan học tập các mô hình sản xuất tại các địa phương khác để về áp dụng tại gia đình. Năm 2013, gia đình anh Tại đã mạnh dạn chuyển đổi ruộng sâu trũng, cấy lúa kém hiệu quả của gia đình và dồn đổi ruộng của các hộ dân cùng vùng có tổng diện tích gần 2 ha  để phát triển mô hình VAC tổng hợp. Mô hình có 2 ao cá với diện tích khoảng 4.000m2, kết hợp chăn nuôi lợn nái ngoại, nuôi bò sinh sản, gia cầm, thuỷ cầm và trồng cây ăn quả trên bờ phục vụ cho gia đình.

Anh Tại chia sẻ: Thời gian đầu khởi nghiệp gia đình còn gặp nhiều khó khăn, do chưa có nhiều vốn đầu tư, chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi. Do đó có những thời điểm gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh mà trong đó bản thân gia đình chưa có kiến thức về thú y,  gây thiệt hại lớn về kinh tế. Nhất là đối với đàn lợn, do bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã phải tiêu hủy cả đàn gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Trước những khó khăn gặp phải trong quá trình chăn nuôi, với nghị lực và quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng, gia đình anh đã tích cực học hỏi kinh nghiệm từ thực tế, qua các kênh thông tin khác nhau để áp dụng phát triển mô hình. Điều quan trọng là gia đình tìm hướng đi đúng, áp dụng phương pháp chăn nuôi gối vụ phù hợp, phát huy tiềm năng thế mạnh tại chính địa phương. Do đó, dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bệnh dịch tả lợn châu Phi đến nền kinh tế thị trường, thị trường tiêu thụ thực phẩm nhưng mô hình vẫn phát triển hiệu quả.

Tại thời điểm chuồng nuôi của anh đang nuôi 43 con lợn nái ngoại cung cấp con giống cho thị trường; đàn bò cái sinh sản của gia đình anh cũng ngày một tăng lên số đầu con. Từ mô hình đã cho gia đình anh thu mỗi năm 80 lứa con xuất chuồng,  4 - 5 bê con xuất bán, cá thương phẩm,  gia cầm, thủy cầm…, sau trừ các khoản chi phí thu nhập mang lại khoảng 450 triệu đồng/năm.

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế hộ, mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Tại, chị Nga đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện tốt để nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, tiến bộ.

Ngoài việc phát triển kinh tế, anh, chị còn là hội viên nông dân, phụ nữ tích cực, nhiệt tình tham gia hoạt động hội, thường xuyên hướng dẫn, chia sẻ với các gia đình hội viên kinh nghiệm chăn nuôi để có hiệu quả kinh tế cao.

Với những thành tích trong phát triển kinh tế và những đóng góp vào hoạt động Hội, vừa qua tại hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết làm giàu, gia đình anh chị được Hội Nông dân xã khen thưởng là gia đình hội viên nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh chị không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình mà còn là động lực để nhiều hội viên nông dân và người dân trong xã học tập và làm theo, góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển./.

Vương Thị Chung – Trung tâm DVNN Thạch Thất