Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Du lịch cộng đồng là một hình thức kinh doanh du lịch dựa trên những tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hóa của địa phương để kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển nội lực và gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng, phát triển kinh tế bền vững.



Lâm Đồng là một trong những tỉnh được chọn làm điểm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mà trọng tâm của Chương trình là hướng đến khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ và vừa ở nông thôn có thể khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, lợi thế so sánh của sản phẩm, phát huy vai trò của cộng đồng, giá trị truyền thống để thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho sản phẩm, từng bước giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế hộ.

Trong những năm qua, thông qua việc đón tiếp các đoàn du khách, văn hóa cồng chiêng của người dân tộc K’ho đã và đang được phát huy, các ngành, nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển từng bước theo hướng hàng hóa. Các sinh hoạt văn hóa truyền thống như dân nhạc, lễ hội cồng chiêng đã và đang trở thành sản phẩm được khách du lịch mong muốn trải nghiệm ngày càng nhiều. Khi đến với Lạc Dương, Lâm Đồng và các sản phẩm từ nghề đan lát, dệt, thêu thổ cẩm như: Vải, túi, vòng bạc, khăn, gùi… là quà tặng đặc trưng của người dân tộc ngày càng đa dạng và phong phú.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã công nhận 123 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, với những sản phẩm tiêu biểu như rau hỗn hợp cấp đông, trà Ô Long Phước Lạc, Đông trùng hạ thảo, rượu đương quy, rượu đông trùng hạ thảo, cà phê, mắc ca,… Với mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục nâng cấp và phát triển 168 sản phẩm OCOP thuộc 130 chủ thể. Trong đó: 70 sản phẩm 3 sao; 80 sản phẩm 4 sao; 18 sản phẩm 5 sao. Tạo điều kiện hỗ trợ các chủ thể đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng nhằm đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử, từng bước tham gia thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh đang chú trọng nhiều lợi thế về du lịch gắn kết với sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng. Mô hình du lịch cộng đồng đang được tỉnh, lãnh đạo ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm, xem đây là cơ hội để nâng tầm du lịch của tỉnh và nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên tại Lâm Đồng, các mô hình du lịch cộng đồng còn chưa nhiều, còn mang tính tự phát nên các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp chất lượng chưa cao; các nghề thủ công truyền thống hiện nay còn rất ít gia đình duy trì; chưa thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm thực tế và mua sắm của khách du lịch; sự kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành chưa nhiều... Đặc biệt chưa có mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP.

Có thể thấy, việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch canh nông gắn với các sản phẩm nông nghiệp là hướng đi cần thiết và quan trọng trong thời gian tới, vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa khai thác tốt các giá trị văn hóa truyền thống, vừa bảo tồn, phát triển và mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Để làm được điều đó, trước hết cần tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, Cần nâng cao nhận thức cộng đồng để họ hiểu được về du lịch cộng đồng và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Từ đó, mỗi thành viên là một sứ giả cho sự phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương. Đây được xem là giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP nói riêng. 

Thứ hai, Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới và chương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa của các dân tộc bản địa gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Thứ ba, Phát huy thế mạnh của các làng nghề truyền thống (các làng hoa, nghề dệt thổ cẩm, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Lâm Hà, dệt thổ cẩm ở Lạc Dương, đan lát ở Đức Trọng, nghề rèn của người Mạ, nặn gốm ở Đơn Dương…). Làng nghề không đơn thuần là nơi chế tác các sản phẩm thủ công truyền thống mà còn là môi trường văn hóa lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ những tinh hoa nghệ thuật công phu, tỉ mỉ, khéo léo và óc sáng tạo, các nghệ nhân đã làm nên những sản phẩm độc đáo có tính nghệ thuật cao và kỹ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất và phong tục tập quán của cộng đồng, của các nghệ nhân.

Thứ tư, Gắn kết doanh nghiệp làm du lịch và các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP của địa phương đến với du khách. Góp phần xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP đa dạng, độc đáo; đồng thời có sự chia sẻ lợi ích phù hợp đối với các bên tham gia.

Thứ năm, Tổ chức xây dựng các điểm du lịch cộng đồng và dịch vụ du lịch cộng đồng đảm bảo bộ tiêu chí để tạo một điểm đến chất lượng, có sức hấp dẫn mạnh mẽ và phát huy thế mạnh của du lịch cộng đồng. Từng bước chuyển hóa các sản phẩm của du lịch cộng đồng tham gia Chương trình OCOP.

Có thể nói việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP là bước đi đúng đắn cần được tập trung nguồn lực thực hiện để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước của người dân. Hơn thế nữa, du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP giúp quảng bá hình ảnh về đất nước, con người một cách gần gũi và chân thật nhất, tạo môi trường thuận lợi để phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, mở rộng kiến thức về các nền văn hóa khác nhau trong và ngoài nước. Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP theo quan điểm liên kết tương hỗ giữa du lịch và nông nghiệp, xây dựng làng du lịch bền vững hướng đến giá trị xanh: Môi trường xanh, văn hóa xanh và phát triển trong sự hài hòa các mối quan hệ; góp phần nâng cao năng lực cộng đồng tạo thêm các giá trị kinh tế cho sản phẩm địa phương./.

Bùi Hằng - TTKN Lâm Đồng