Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Dưa chuột Xuân Trường - sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang

Với mong muốn đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng, ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Trường ở thôn Râm, xã Tự Lạn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.



Ông Trường cho biết, ông đam mê với các loại loại cây trồng như măng tây, dưa chuột, cà chua, nho hạ đen… từ khi chưa biết làm nhà lưới. Năm 2018, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân ngày càng cao, ông Trường quyết định đầu tư hệ thống nhà lưới để trồng rau, quả sạch. Tuy nhiên, những ngày đầu, ông cũng gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm trồng các đối tượng cây trong nhà lưới, không am hiểu thời vụ, chưa có thị trường…

Sau một thời gian vừa làm vừa học hỏi, qua tham quan thực tế các mô hình trong và ngoài tỉnh, tích cực tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, học hỏi thêm từ internet… ông Trường quyết định chọn giống dưa chuột Maya, dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới xanh để trồng trong nhà lưới, trên diện tích 8.000m2.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, ba giống dưa được Hợp tác xã ưu tiên lựa chọn trồng đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là dưa chuột Maya là cây có thời gian sinh trưởng nhanh, thu hoạch sớm. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 30 ngày, đặc biệt thị trường tiêu thụ rộng.

Thấy hiệu quả kinh tế của mô hình, năm 2020, ông Nguyễn Xuân Trường quyết định thành lập Hợp tác xã Ứng dụng công nghệ cao Xuân Trường. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm nông sản của Hợp tác xã đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình trồng, chăm sóc dưa được quản lý nghiêm ngặt, sử dụng phân bón từ các chế phẩm sinh học và thuốc bảo vệ thực vật từ tự nhiên, thân thiện với môi trường.

Hiện tại, cứ 1.000 m2 dưa chuột đang cho thu hái 2 tạ quả/ngày, giá bán 17.000-25.000 đồng/kg, mỗi ngày HTX thu trên 4 triệu đồng. Thời điểm này, dưa đang cho thu hoạch rộ và đạt năng suất cao nhất, có ngày thu hái hai lần. Bình quân 1 vụ cho thu hái trong khoảng 2 tháng và đạt năng suất khoảng 8 tấn quả/vụ. Chất lượng quả tốt, quả ăn giòn, ngọt, được bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Bắc Giang, Hà Nội… Đến nay, sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường.

Ông Trường chia sẻ, mặc dù dưa chuột Maya trồng trong nhà lưới rất hiệu quả nhưng mỗi năm chỉ nên trồng 1 vụ, từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau. Bởi lẽ đây là cây trồng khó, không nên trồng liên tục trên một chân đất khiến cây dưa dễ mắc bệnh, hiệu quả kinh tế không cao. Xen vào giữa hai vụ dưa, bà con nên trồng một vụ cà chua, rau cải hoặc cây trồng khác để cải tạo đất và tiêu diệt tàn dư bệnh trong đất.

“Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư trồng dưa bằng giá thể để có thể trồng 2 vụ dưa chuột/năm. Trồng dưa trên giá thể thì đất, nước, dinh dưỡng sẽ được quản lý đảm bảo đồng đều nhất cho toàn bộ cây trồng và hạn chế tối đa nấm bệnh trên cây dưa” - Giám đốc Hợp tác xã cho biết.

Với mong muốn thay đổi nhận thức của người dân về làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn, đặc biệt là tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, Hợp tác xã chuyên dùng các loại phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học bằng thảo dược bón qua hệ thống tưới tự động. Hệ thống nhà lưới giúp hạn chế tối đa côn trùng, sâu bệnh hại xâm nhập cũng như khắc phục các yếu tố bất thuận về thời tiết. Hệ thống tưới tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt là phương pháp hiệu quả giúp cây trồng hấp thu tối đa dưỡng chất, đồng thời hạn chế thất thoát nước cho cây.

Với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã mang lại sản lượng và chất lượng cao cho sản phẩm. Sản phẩm dưa chuột của HTX đạt 3 sao đợt một năm nay và mang thương hiệu Dưa chuột Xuân Trường. Đây chính là bước tiến mới khẳng định chất lượng, thương hiệu của sản phẩm dưa chuột Xuân Trường mà HTX đang triển khai sản xuất.

Hiện tại, sản phẩm dưa chuột Xuân Trường đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận, đem lại thu nhập cao và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương./.

TA (Theo TTKNQG)