Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đơn Dương: Làng hoa cúc Próh đón tết

Trở lại xóm Nghĩa Bình thuộc thôn K’răng Gọ I, xã Próh, huyện Đơn Dương vào một ngày đầu năm mới 2019, tiết trời se lạnh nhưng đi đến nhà nào trong xóm chúng tôi cũng nhìn thấy bà con đã và đang tất bật chăm sóc hàng chục ngàn chậu hoa cúc pha lê vàng để chuẩn bị đưa ra thị trường đúng vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.



Xóm Nghĩa Bình có 12 hộ dân từ tỉnh Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp vào những năm 1980, là những nông dân xuất thân từ một vùng quê nghèo khó ở dải đất miền Trung đầy nắng gió, do đó bà con nông dân xóm Nghĩa Bình rất chăm chỉ, cần cù chịu khó lao động. Sau những vụ hoa màu được trồng từ đầu năm đến cuối tháng 8 âm lịch, bà con nông dân ở đây bắt đầu chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng rau thương phẩm sang trồng hoa cúc pha lê vàng trong chậu. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đình Thụy một lão nông tri điền vui vẻ phấn khởi cho biết, vụ hoa Tết năm nay bà con nông dân xóm Nghĩa Bình trồng gần 20.000 chậu hoa cúc pha lê vàng, trong đó các hộ ông Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Bá Dũng mỗi hộ trồng 2.000 chậu hoa cúc, gia đình ông Trương Chín đã mạnh dạn đầu tư vốn hàng trăm triệu đồng trồng trên 3.000 chậu hoa cúc, hoa cúc vạn thọ và hoa hồng. Ngoài ra, còn có nhiều hộ trồng từ 500 đến 1.000 chậu hoa cúc như hộ anh Võ Văn Tân, Vũ Văn Khôi, Nguyễn Hơi,... Ông Phạm Văn Tuấn cho biết vụ hoa Tết năm nay gia đình ông đầu tư trên 170 triệu đồng để trồng 2.000 chậu hoa cúc pha lê vàng, nếu vụ hoa Tết năm nay bà con nông dân chúng tôi bán được giá như Tết Mậu Tuất thì gia đình ông Tuấn thu nhập được trên 400 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư ông còn lãi được trên 170 triệu đồng, ông cho biết, bình quân 1 chậu hoa cúc lớn có giá 220 ngàn đồng, chậu hoa cúc nhỏ giá 110 ngàn đồng, điều đáng nói là những chậu hoa cúc vàng được trồng ở xã Próh, huyện Đơn Dương không chỉ tiêu thụ ở thị trường các huyện trong tỉnh Lâm Đồng mà còn được thương lái từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận, thành phố Hồ Chí Minh và kể cả tỉnh Đăk Lắk đến đặt hàng.

Trong những ngày đầu tháng chạp, để bán cho khách hàng vào dịp Tết Nguyên Đán, anh Võ Văn Xuân một trong những nông dân đã có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc hoa cúc cho biết thêm, năm nay gia đình anh trồng gần 1.000 chậu hoa cúc, nếu bán được giá như vụ hoa Tết năm ngoái thì gia đình anh Xuân cũng có thu nhập trên 150 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư như giống, tiền chậu và vật tư phân bón anh vẫn còn lãi trên 80 triệu đồng, so với trồng rau thương phẩm thì trồng hoa cúc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đây là năm thứ 4 bà con nông dân xóm Nghĩa Bình, xã Próh trồng hoa cúc Tết và có một niềm vui nhất là chưa năm nào vụ hoa cúc Tết bị ứ đọng, đặc biệt có những loại hoa như hoa thược dược, hoa hồng, hoa vạn thọ có năm cháy hàng. Nhờ biết chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng hợp lý, do đó đời sống của bà con nông dân xóm Nghĩa Bình, xã Próh ngày càng ổn định, 100% số hộ trong xóm đã xây dựng nhà cửa khang trang, kiên cố, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình và kể cả phương tiện dụng cụ sản xuất, có những hộ còn mua sắm cả hệ thống máy đúc chậu hoa.

Một mùa xuân thanh bình đã và đang về với mọi miền quê hương đất nước, đón xuân Kỷ Hợi, bà con nông dân xóm Nghĩa Bình, xã Próh đã, đang hy vọng mùa hoa cúc Tết năm nay sẽ được mùa, trúng giá, đây không chỉ là món quà xuân thiết thực để góp phần tô đẹp thêm cho mỗi gia đình vào những ngày đầu năm mới, mà còn có một ý nghĩa lớn hơn đó là nguồn thu nhập chính đáng từ những chậu hoa cúc của bà con nông dân xã Próh làm ra để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng vào dịp Tết đến Xuân về, làng hoa xóm Nghĩa Bình, xã Próh là một xã vùng sâu của huyện Đơn Dương, và đây cũng là xã cuối cùng của huyện Đơn Dương đã được tỉnh công nhân đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2018./.

                             Ngọc Thanh – Đơn Dương