Phát biểu tại diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội - Tạ Văn Tường cho rằng: Những năm vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thủ đô đã đóng góp vai trò to lớn vào công tác phát triển chuỗi, kết nối tiêu thụ nông sản tới người tiêu dùng, hội viên các cấp Hội. Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với Hội Phụ nữ tổ chức các hoạt động kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến giới thiệu sản phẩm an toàn của các chuỗi tới người tiêu dùng; tổ chức các hoạt động tham quan nơi sản xuất chế biến, thử nếm sản phẩm, hướng dẫn để người tiêu dùng dần thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới sản phẩm an toàn; vận động các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cùng tham gia,...”
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị Hội phụ nữ Hà Nội tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2018 – 2020. Hai là, vận động hội viên phụ nữ xây dựng các mô hình thực hiện an toàn thực phẩm. Đồng thời, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Và cuối cùng là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp & PTNT phát huy hơn nữa vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kết nối sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản theo chuỗi
Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu là hội viên Hội phụ nữ các cấp cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm, mô hình hoạt động cũng như các khó khăn, vướng mắc trong việc tham gia công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố - Phạm Thị Thanh Hương: Trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã chỉ đạo các quận huyện tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng và nhân rộng nhiều mô hình thực hiện ATTP. Đến nay, đã có trên 600 “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm” được thành lập và hoạt động có hiệu quả, góp phần giúp chị em phụ nữ và người dân nâng cao nhận thức về ATTP, chủ động tổ chức giám sát thực hiện quy định pháp luật về ATTP trên địa bàn tiến đến thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cũng nhấn mạnh những khó khăn, thách thức trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kết nối sản xuất- tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản của các chuỗi. Cụ thể, mặc dù hiện tại sản lượng sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng hết nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, mạng lưới phân phối lớn nhưng người nông dân vẫn khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm; Sự liên kết, kết nối giữa cơ sở, đơn vị sản xuất với doanh nghiệp phân phối chưa được thực hiện thường xuyên; Người tiêu dùng Thủ đô mà cụ thể ở đây chính là hội viên phụ nữ (những người quyết định bữa ăn gia đình) còn hạn chế trong việc tiếp cận các sản phẩm nông sản theo chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn./.
Huy Hoàng